Lạng Sơn đang vào mùa lúa chín và đi đến đâu ta cũng bắt gặp cảnh người dân đang thu hoạch vụ mùa. Tại đây, gia đình nào cũng trồng một ít ngải cứu, đây là loại rau quen thuộc trong bữa ăn hàng ngày và cũng là nguyên liệu chính cho món bánh ngải nhân lạc.
Bánh ngải hay còn có tên gọi khác là bánh giầy ngải. Nguồn gốc của loại bánh này xuất phát từ các tỉnh miền núi phía Bắc như: Lạng Sơn, Bắc Kạn, Cao Bằng. Ở Lạng Sơn, đây được xem là loại bánh đặc sản, có vị ngọt thơm, mềm dẻo và vào dịp tết Thanh minh, các dịp lễ hội Lạng Sơn hay dịp ăn mừng vụ lúa mới, bánh ngải sẽ được người dân làm nhiều hơn.
Để làm được món bánh ngải đầu tiên cần phải luộc lá ngải lên. Tiếp theo gạo nếp sau khi ngâm 6-8 tiếng thì mang lên đồ cho đến khi chín tới sau đó trộn lá ngải chín đã thái sẵn rồi đồ thêm 15 phút nữa. Nhân bánh được làm từ lạc rang giã nhỏ đun với mạch nha tạo nên hỗn hợp sền sệt.
Món bánh ngải nhân lạc vẫn làm theo cách truyền thống là dùng cối để giã. Để làm được món ăn này vừa cần sức mạnh, vừa cần sự dẻo dai vì giã được một mẻ bánh mất rất nhiều thời gian. Sau khi giã nhuyễn thì đến công đoạn bắt bánh, cho nhân vào bánh và chúng ta có thể thưởng thức được luôn, không cần đi đồ hoặc hấp như các loại bánh khác.
Bánh ngải Lạng Sơn thường chỉ bảo quản được trong 2 - 3 ngày nhưng tốt nhất là nên thưởng thức bánh trong ngày sau khi chế biến là ngon nhất, giữ được trọn vị thơm của bánh, bánh dẻo và không bị khô. Tuy nhiên, nếu không ăn hết hoặc muốn giữ lại để cho người thân, bạn bè thì có thể bảo quản bánh bằng cách cho vào ngăn mát tủ lạnh. Sau đó trước khi ăn nên hấp lại để bánh nóng và có độ dẻo thơm như lúc vừa làm xong, thưởng thức sẽ ngon và hấp dẫn hơn.
Bánh ngải - một món bánh dân dã, đơn giản nhưng chứa đựng biết bao tâm tình của những con người xứ Lạng, vị ngọt thơm, mềm dẻo của bánh đã làm “say lòng” nhiều thực khách. Đây chính là nét văn hóa ẩm thực độc đáo của người Lạng Sơn, nó gắn bó với tuổi thơ của nhiều người, là niềm tự hào của người dân nơi đây.