Nhiều thực phẩm bẩn chuẩn bị tuồn ra thị trường
Trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2024, các cơ quan chức năng của Hà Nội đã tiến hành bắt giữ nhiều sai phạm liên quan đến thực phẩm bẩn. Vừa qua, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP.Hà Nội thông tin, qua phối hợp với Công an quận Hà Đông phát hiện thu giữ hơn 1.500 kg mỡ, lòng động vật bốc mùi hôi thối đang trên đường vận chuyển đi tiêu thụ.
Cục Quản lý thị trường Hà Nội và Công an thành phố Hà Nội kiểm tra, thu giữ 1.520kg thực phẩm là nầm lợn, lườn, đùi vịt không có giấy tờ, hóa đơn, chứng từ... tại một cơ sở ở xã Bích Hòa (huyện Thanh Oai).
Trước đó, Công an quận Bắc Từ Liêm phối hợp với Cục Quản lý thị trường Hà Nội vừa kiểm tra tại kho hàng địa chỉ số 489 Hoàng Quốc Việt, phường Cổ Nhuế 1, phát hiện gần 1 tấn thực phẩm gồm các loại thịt lợn, thịt bò, thịt gà đều là sản phẩm đông lạnh được đóng túi, một số đã tẩm ướp sẵn để đưa đi tiêu thụ.
Kiểm tra đột xuất một cơ sở tại quận Bắc Từ Liêm, Đội Quản lý Thị trường số 22 phối hợp cùng Công an Quận đã phát hiện gần 1 tấn thực phẩm đông lạnh không hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc.
Theo cơ quan chức năng, thủ đoạn của các đối tượng kinh doanh thực phẩm bẩn sau khi nhập về kho, chủ hàng sẽ xé nhãn mác nước ngoài, đóng chung vào các thùng xốp chuẩn bị sẵn, “giả” là thực phẩm trong nước để đem đi tiêu thụ.
Ngoài ra, các đối tượng còn thuê địa điểm tập kết tại khu vực hoang vắng, xa khu dân cư, ít người qua lại, đồng thời lắp đặt camera cảnh giới xung quanh, để tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng.
Với nguy cơ tiềm ẩn về thực phẩm bẩn như vậy dễ hiểu vì sao thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm quy mô lớn như vậy, khiến người dân có tâm lý hoang mang, lo sợ.
Trao đổi các giải pháp góp phần ngăn chặn việc sản xuất, lưu thông thực phẩm bẩn, trao đổi với phóng viên ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, để công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm thực sự đem lại hiệu quả, thì các cấp, ngành, đặc biệt là cấp huyện, xã cần phải nâng cao vai trò, trách nhiệm về đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn quản lý; phát huy hiệu quả sự phối hợp giữa chính quyền với các đoàn thể trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm, huy động cả cộng đồng cùng tham gia giám sát, phát hiện, tố cáo các cơ sở, tổ chức, cá nhân vi phạm, sản xuất thực phẩm bẩn.
Thiết nghĩ, thực phẩm bẩn là vấn nạn diễn ra quanh năm, do đó, các cơ quan chức năng cần có chế tài mạnh hơn trong việc xử lý nhằm răn đe, ngăn chặn tình trạng thực phẩm bẩn bán ra thị trường.
Khi phát hiện vi phạm về thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc, các cơ quan chức năng phải xử phạt thật nặng như thu hồi giấy phép, cấm hoạt động vĩnh viễn cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm, thậm chí có thể khởi tố hình sự.
Cùng với đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của những người sản xuất, buôn bán thực phẩm. Đây là điều rất quan trọng, bởi người tiêu dùng không thể phân biệt tất cả các loại nhãn hàng, mà cần đến lương tri của những người bán.
Trong bối cảnh mùa hè, cao điểm du lịch đang tới gần, việc phòng chống ngộ độc thực phẩm cần được xem là giải pháp cấp bách. Theo Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, nguy cơ ngộ độc thực phẩm thường tăng cao trong mùa hè khi thời tiết nóng ẩm, thuận lợi cho các loại vi khuẩn phát triển, xâm nhập đồ ăn, thức uống.
Đặc biệt, khi du khách ăn, uống thực phẩm được giới thiệu là đặc sản địa phương của những người bán dạo ngoài trời tại các điểm du lịch thì rất dễ bị ngộ độc do bị nhiễm bẩn từ bụi, côn trùng, vệ sinh không đầy đủ hoặc do vi khuẩn phát triển dễ dàng hơn khi thực phẩm không được bảo quản trong vùng nhiệt độ an toàn.
Thêm vào đó, thói quen sử dụng, chế biến, bảo quản thực phẩm không đúng cách cũng là nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc. Những vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm thường gặp là vi khuẩn tả, vi khuẩn E.coli, Campylobacter...
Các triệu chứng ngộ độc thực phẩm có thể bắt đầu trong vòng vài giờ sau khi ăn thực phẩm bị ô nhiễm, thường bao gồm: Buồn nôn, nôn mửa hoặc tiêu chảy.
Tùy từng loại ngộ độc có thể gây sốt hoặc có triệu chứng rối loạn về thần kinh. Mức độ biểu hiện của các triệu chứng phụ thuộc vào chủng vi khuẩn gây ngộ độc.
Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm khi đi du lịch, Cục An toàn thực phẩm lưu ý, người dân cần thực hiện ăn chín uống sôi. Không nên ăn món gỏi, tái sống và món chế biến sẵn của người bán dạo ở các khu du lịch hay ven bờ biển. Nếu tổ chức tiệc nướng ngoài trời nên chọn thực phẩm tươi sống và nướng chín ở nhiệt độ cao.
Người dân không nên ăn quá nhiều thực phẩm mới lạ trong một lần. Tránh sử dụng nước đóng chai và nước giải khát không rõ nguồn gốc. Tránh uống nước đá và nước từ vòi hoặc máy lọc nước không bảo đảm vệ sinh.
Về nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Salmonella là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh tiêu chảy trên toàn cầu, trong đó có nhiều vụ ngộ độc quy mô lớn.
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cũng khuyến cáo, vi khuẩn Salmonella có thể tồn tại trong nước hai đến ba tuần, trong phân hai đến ba tháng. Cụ thể, vi khuẩn này sống được hai đến ba tháng trong nước đá. Sau khi hết các triệu chứng lâm sàng, đa số người khỏi bệnh vẫn đào thải vi khuẩn ra môi trường trong 2-3 tuần; hoặc hai đến ba tháng.
Tuy nhiên, vi khuẩn Salmonella lại bị hủy bởi nhiệt độ 50 độ C trong vòng một giờ hoặc 100 độ C trong 5 phút, thậm chí có thể bị tiêu diệt bởi các chất sát khuẩn thông thường.
Do vậy, để phòng tránh nhiễm khuẩn, mọi người cần tuân thủ ăn chín, uống sôi. Đặc biệt, nên nấu chín kỹ trứng, rửa sạch vỏ trứng trước khi chế biến. Dùng nước nóng, xà phòng để rửa đồ dùng, thớt và các bề mặt vật dụng nhà bếp.