Khơi thông thị trường song song với đẩy mạnh xúc tiến thương mại là giải pháp trọng tâm đang được ngành nông nghiệp tập trung thực hiện nhằm đạt mục tiêu năm 2024 cán đích xuất khẩu 55 tỷ USD.
Nhiều mặt hàng tăng trưởng cao về lượng và giá trị
Thông tin từ Bộ NN&PTNT, 4 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản cả nước ước đạt hơn 19 tỷ USD, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu cà phê có mức tăng trưởng cao nhất, đạt 2,5 tỷ USD, tăng hơn 54% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là mặt hàng gạo, sau 4 tháng đã xuất khẩu được 3 triệu tấn, với kim ngạch 1,93 tỷ USD, tăng 13,5% về lượng và tăng 23,7% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường trọng điểm có nhu cầu tiêu thụ lớn về sản lượng. Trong đó, Philippines vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm 46,4% về tổng lượng và chiếm 45,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu.
Cùng với cà phê và lúa gạo, rau quả cũng là mặt hàng nông sản có mức tăng trưởng ấn tượng trong 4 tháng đầu năm 2024, với kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng Thư ký Hiệp Hội rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên nhận định, triển vọng xuất khẩu ngành rau quả trong năm 2024 tiếp tục có diễn biến tích cực, đặc biệt từ thị trường Trung Quốc.
Ngành rau quả đang được kỳ vọng lập nên kỷ lục xuất khẩu mới trong năm nay khi lần đầu tiên, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt và vượt 1 tỷ USD ngay trong những tháng đầu của năm. Đây chính là bước chạy đà quan trọng giúp ngành hàng này sẽ đạt kỷ lục mới trong xuất khẩu.
Đáng chú ý, nhiều loại nông sản xuất khẩu đã tăng giá mạnh trong thời gian qua như cà phê, hồ tiêu, ca cao, sầu riêng. Đây tiếp tục là những mặt hàng nông sản sẽ có xu hướng tăng trong năm nay. Nguyên nhân của tăng trưởng là do nhu cầu thị trường thế giới tăng cao, cũng như chất lượng nông sản của Việt Nam đang ngày càng được nâng lên, đáp ứng yêu cầu đa dạng của nhiều quốc gia, khu vực.
Theo Giám đốc Trung tâm tin tức hàng hóa Việt Nam Phạm Quang Anh, mặc dù các mặt hàng nông sản có tính thời vụ, không thể bổ sung nguồn cung ngay lập tức, song giá nông sản sẽ tiếp tục neo cao trong ngắn và trung hạn, ít nhất là đến hết quý II năm nay.
Về đường dài, việc tăng giá trị cho hàng nông sản vẫn phải tính đến các phương án bền vững hơn. Việc xây dựng thương hiệu là yếu tố quan trọng để Việt Nam nâng cao giá trị của sản phẩm. Cùng với đó đẩy mạnh chế biến sâu sẽ giúp cho các sản phẩm nông sản không chỉ tăng về khối lượng, mà còn tăng về giá trị trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến
Một điểm sáng nữa là giá trị xuất khẩu nông sản tới các thị trường đều tăng trong 4 tháng qua. Giá trị xuất khẩu năm 2024 tăng hơn 32% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu sang châu Á tăng 19,8%; châu Mỹ tăng 24,6%; châu Âu tăng 38,6%; châu Đại Dương tăng 26% và châu Phi tăng 33,3%. Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường nhập khẩu lớn nhất nông sản Việt Nam. Trong đó, Trung Quốc đứng vị trí thứ 2, chiếm 18,9% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Quảng cáo
Xử lý các vấn đề thị trường để tăng tốc xuất khẩu
Bước vào giữa quý II/2024, giá xuất khẩu bình quân một số nông sản trong đó có mặt hàng rau quả tăng, giúp nông nghiệp tiếp tục đóng góp nhiều vào phát triển kinh tế khi xuất khẩu lĩnh vực này liên tục ghi nhận kết quả tăng trưởng. Xuất khẩu quý II được dự báo sẽ còn sôi động hơn quý I, do nhiều mặt hàng nông sản, đặc biệt là các loại rau quả chủ lực như vải thiều, nhãn, xoài, thanh long sẽ bước vào vụ thu hoạch.
Do đó, các DN đang tập trung, dồn sức để chuẩn bị nguồn lực, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, ký kết thêm các đơn hàng mới. Quý II năm nay, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng 2,9 - 3%, xuất khẩu khoảng 14 tỷ USD, cao hơn kết quả đạt được trong quý I.
Với xuất khẩu gạo, Bộ NN&PTNT nhận định, kết quả xuất khẩu 4 tháng vừa qua (cao nhất tính trong 4 tháng đầu năm từ trước tới nay), nếu cả năm vẫn duy trì 750.000 tấn/tháng thì dư địa thị trường xuất khẩu có thể lên tới 9 triệu tấn gạo. Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng đưa ra dự báo khối lượng gạo xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2024 chắc chắn sẽ vượt 4,5 triệu tấn.
Do đó, lượng gạo hàng hóa cần cho xuất khẩu 6 tháng cuối năm ước 3,22 triệu tấn. Để đáp ứng nhu cầu này, có thể các DN sẽ phải nhập thêm gạo từ Campuchia để đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu. Dự báo năm 2024, xuất khẩu gạo sẽ thiết lập mốc kim ngạch kỷ lục 5 tỷ USD.
Thị trường xuất khẩu tiếp tục đa dạng, nhưng tập trung vào 3 thị trường truyền thống là Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản. Với khách hàng lớn nhất là Trung Quốc, Việt Nam có lợi thế về logistics và hai bên đã ký nhiều nghị định thư xuất khẩu nông sản. Điều này liên tục mở ra những tiềm năng để xuất khẩu nông sản tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Đánh giá về tình hình xuất khẩu nông sản, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, ngành nông nghiệp đã có tăng trưởng rất đáng khích lệ, trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là thặng dư xuất khẩu vượt trội. Để tiếp tục duy trì tốt đà tăng trưởng trong xuất khẩu, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, thủy sản, nhất là sang các thị trường: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, EU; đồng thời, mở cửa các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như: Halal, Trung Đông, châu Phi...; phối hợp các bộ, ngành hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, hiện Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương đang đẩy mạnh các chương trình xúc tiến, hỗ trợ DN tận dụng tốt các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản chủ lực, hỗ trợ DN ký kết đơn hàng xuất khẩu mới. Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng đang phối hợp với các bộ, ngành hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài.
Riêng với thị trường Trung Quốc, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm Hỏi đáp Quốc gia về Vệ sinh Dịch tễ và Kiểm dịch Động thực vật (SPS Việt Nam) Ngô Xuân Nam cho biết: văn phòng tiếp tục phối hợp với các đơn vị phổ biến, hướng dẫn các DN, địa phương đáp ứng Quy định 248 và Quy định 249 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Qua đó, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN khi đưa các mặt hàng nông sản sang thị trường này. Đến nay, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã phê duyệt 3.140 mã sản phẩm nông sản làm thực phẩm các DN của Việt Nam được phép nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc, tăng 180 mã so với năm 2023.