Giá thép ngày 8/9, giao tháng 1/2022 trên Sàn giao dịch Thượng Hải giảm 46 nhân dân tệ lên mức 5.458 nhân dân tệ/tấn tại thời điểm khảo sát vào lúc 14h00 (giờ Việt Nam).
Giá quặng sắt giao dịch trên sàn Đại Liên trong phiên vừa qua hồi phục từ mức thấp nhất 7 tháng sau đợt bán tháo kéo dài suốt 5 phiên đẩy giá xuống thấp nhất 7 tháng trước đó, mặc dù nước sản xuất thép lớn nhất thế giới – Trung Quốc – đang tăng cường mua nguyên liệu thép này.
Quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2022 trên Sàn giao dịch Hàng hóa Đại Liên của Trung Quốc đã tăng 1,1% lên 763 CNY/tấn vào cuối phiên, đầu phiên có lúc xuống 718,50 nhân dân tệ, mức thấp nhất kể từ 4/2.
Trên sàn Singapre, quặng sắt kỳ hạn tháng 10 tăng 4,3% lên 136,70 USD/tấn, sau khi giảm 8,3% xuống mức thấp nhất 2 tuần ở phiên liền trước.
Nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc trong tháng 8 tăng lần đầu tiên sau 5 tháng, với mức tăng 10,1% so với tháng 7, mặc dù nhu cầu vẫn thấp do Chính phủ nước này nỗ lực hạn chế sản lượng thép. Nhập khẩu quặng sắt nhiều đẩy lượng tồn trữ quặng sắt tại các cảng của Trung Quốc tăng lên 131,4 triệu tấn, tính đến ngày 3/9 dựa trên dữ liệu của công ty tư vấn SteelHome, cao nhất kể từ cuối tháng 4 sau 3 tuần liên tục tăng.
Giá thép cây trên sàn Thượng Hải tăng 0,9%, thép cuộn cán nóng tăng 0,2%, và thép không gỉ tăng 1,7%.
Ngành công nghiệp quặng sắt Ấn Độ đang trong tình trạng tốt khi chứng kiến kết quả đầy ấn tượng của nhà sản xuất quặng lớn nhất nước - NMDC, trong quý đầu tiên của năm tài chính 2021 - 2022.
Song, điều thực sự khiến NMDC có thể ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng 499% lên 3.193 rupee crore, từ mức 533 rupee crore trong cùng kỳ năm ngoái, là nhờ giá nguyên liệu sản xuất thép tăng cao đáng kể.
Theo ghi nhận, loại quặng sắt chuẩn với hàm lượng 62% Fe trên thị trường thế giới đã đạt mức giá kỷ lục là 231 USD/tấn vào ngày 12/5. Và giá quặng của Ấn Độ đã lấy tín hiệu từ tỷ giá giao dịch toàn cầu.
Đồng thời, phần lớn sản lượng quặng của Ấn Độ được sử dụng trong nước, do đó nhu cầu từ các nhà sản xuất thép nội địa cũng là yếu tố ảnh hưởng lớn đến giá cả.
Mặc dù vậy, giá thế giới hiện đã giảm khoảng 40% so với mức cao nhất của tháng 5 do một số yếu tố, nổi bật là việc Trung Quốc chủ trương hạn chế sản lượng thép được sản xuất trong nửa cuối năm nay.
Guinea bị cuốn vào chính biến, chuỗi cung ứng quặng sắt và nhôm toàn cầu có thể hụt nguồn hàng trong nay mai
Cuối tuần trước, một đơn vị đặc nhiệm tinh nhuệ do Đại tá Mamady Doumbouya (41 tuổi) chỉ huy đã thực hiện một cuộc đảo chính tại "cường quốc khoáng sản" Guinea. Đây là diễn biến mới nhất trong một loạt cuộc tranh giành quyền lực trong khu vực trong nhiều năm qua, trước đó từng xảy ra ở Mali và Chad.
Đại tá Doubouya tuyên bố, quân đội buộc phải hành động trong bối cảnh tham nhũng tràn lan, vi phạm nhân quyền và quản lý kinh tế yếu kém dưới thời Tổng thống Alpha Conde. Tuy nhiên, động thái này đã bị Liên Hợp Quốc, Liên minh châu Phi và cơ quan quản lý khu vực ECOWAS lên án.
Theo nhiều chuyên gia, cuộc đảo chính tại Guinea đang gây cản trở hoạt động khai thác và sản xuất khoáng sản khi đây là ngành cực kỳ quan trọng đối với nền kinh tế đất nước Tây Phi và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Dự án khai phá mỏ Simandou hiện do tập đoàn khai khoáng Rio Tinto Group và ông lớn ngành thép Trung Quốc Baowu Steel Group hậu thuẫn. Trung Quốc coi Simandou là món hời có thể giúp nước này giảm phụ thuộc vào nguồn cung quặng sắt của Brazil và Australia.