Người tiêu dùng than trời vì giá cước vận chuyển hàng tăng phi mã

Muốn mua một chút đồ ăn và gọi shipper nhưng nhiều người tiêu dùng không dám sử dụng dịch vụ vì giá cước vận chuyển hàng tăng giá quá cao. 

Giá ship nội đô tăng cao

Theo tìm hiểu của Food News, hiện Hà Nội đã được nới lỏng giãn cách tuy nhiên việc vận chuyển hàng hoá từ các tỉnh vào Hà Nội vẫn khó khăn. Người dân muốn mua đồ ăn hay đặt đồ ăn ở quê chỉ có thể trông chờ vào xe luồng xanh. 

Theo chị D.L (chuyên bán thực phẩm sạch ở Lào Cai) cho biết: “Phí cước vận chuyển không hề rẻ, mỗi chuyến cước cũng tầm 200-300.000 đồng, nên tôi toàn phải gom đơn để đặt nhiều nhiều cho bõ chuyến”. 

Tuy nhiên, một vấn đề là khi có thực phẩm sạch xuống được đến nơi thì việc bookship cũng rất khó khăn. Thậm chí, phí ship cũng tăng cao.

Trao đổi với Food News, chị Mai Hoàng (Lê Duẩn, Hà Nội) cho biết: “Tôi đặt thịt lợn quê nhưng khi xuống đây phí ship khá cao, lên đến 70.000 đồng/chuyến ship. Bình thường phí ship chỉ rơi vào khoảng 30-35.000 thì nay tăng cao. Dù vậy, tôi cũng vẫn phải bấm bụng dùng”. 

Tương tự, chị Thuỷ ở Gia Lâm cho biết chị đặt hàng ở Cầu Giấy mà book ship trên ứng dụng cũng mất 100.000 đồng. “Tiền ship quá tiền hàng nên tôi lại đành phải huỷ đơn”, chị Thuỷ nói. 

Cũng theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện giá ship nội đô vẫn chưa có dấu hiệu giảm, mức trung bình ship thu khoảng 40-50.000/1 đơn hàng nội đô. 

Giá shipper tăng cao.
Giá shipper tăng cao.

Vì sao giá ship tăng cao? 

Trao đổi trên báo Kinh tế & Đô thị, đại diện các hãng vận chuyển lý giải rằng, phí ship được điều chỉnh theo thuật toán cung cầu nên giá cước mới tăng lên như vậy. 

Bên cạnh đó, giá ship tăng lên là do thời gian và công sức bỏ ra nhiều hơn, nguy hiểm đến tính mạng và khả năng bị phơi nhiễm. Ngoài ra, quãng đường di chuyển cũng nhiều khó khăn do có nhiều chốt chặn, kiểm soát.

Ngoài ra, chi phí dịch vụ của đơn vị sẽ phải cân đối giữa nhu cầu của người dùng và đảm bảo thu nhập cho tài xế và phía công ti, điều này khiến giá cước buộc phải điều chỉnh tăng lên. 

Cũng thông tin thêm trên báo chí, ông Phan Tường Bách - Giám đốc vận hành AhaMove cho biết, một nguyên nhân khiến giá cước tăng là do số lượng shipper của hãng được cấp phép hoạt động ít, chỉ khoảng 2.000 người tại Hà Nội và không phải lúc nào 100% số lượng này cũng tham gia vận chuyển. 

Shipper có người trong vùng phong toả, có người cách ly, có người về quê… mà nhu cầu lại tăng đột biến dẫn đến mức giá thay đổi.

Đánh giá:  
 Chưa có bình chọn nào

Ẩm thực

Nổi bật