2 tháng đầu năm, các doanh nghiệp đã xuất khẩu hơn 15.500 tấn gạo sang thị trường EU, thu về 11,7 triệu USD, tăng gần 4 lần về lượng và tăng 4,3 lần về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Con số tích cực này là nhờ Hiệp định Thương mại tư do Việt Nam - EU (EVFTA) với mức thuế 0%. Từ khi Hiệp định có hiệu lực, xuất khẩu gạo của Việt Nam vào EU khởi sắc hoàn toàn.
Trong khối EU, Italy bất ngờ dẫn đầu về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam khi tăng phi mã 26 lần so với cùng kỳ. Ngoài ra, còn một số thị trường chủ lực khác như Đức, Pháp, Hà Lan…
Kết quả này cho thấy các doanh nghiệp đã tận dụng hiệu quả một số lợi thế từ Hiệp định EVFTA để gia tăng giá trị xuất khẩu gạo sang EU.
Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, giá cước vận chuyển tăng mạnh, nền kinh tế các nước đang trong quá trình hồi phục.
Được biết, giá gạo của Việt Nam sang thị trường EU cao hơn mức trung bình của cả nước vì gạo xuất khẩu vào EU là giống gạo thơm có giá trị cao.
Bao gồm các loại gạo như: gạo thơm ST 24, ST 25, Jasmine,…EU là thị trường tiềm năng đối với các loại gạo thơm có giá trị cao của Việt Nam.
Mặc dù vậy, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vào EU vẫn khá cạnh tranh so với các đối thủ cạnh tranh khác như Campuchia, Thái Lan và Ấn Độ…
Hiện thị phần gạo của Việt Nam tại EU còn khá khiêm tốn, do đó, các chuyên gia cho rằng Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để gia tăng xuất khẩu vào thị trường này.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nhận định, năm 2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang EU dự báo còn tăng khá. Đặc biệt, chất lượng gạo Việt Nam được cải thiện, chủ yếu là các loại gạo thơm, đánh trúng được thị hiếu của người tiêu dùng châu Âu.