Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2021 đạt hơn 6,2 triệu tấn, kim ngạch đạt hơn 3,2 tỷ USD.
Giá xuất khẩu bình quân hơn 526 USD/tấn, giảm 0,19% về lượng, tăng 5,3% về trị giá và tăng hơn 27 USD/tấn so với năm 2020.
Trong đó, thị trường xuất khẩu gạo số 1 của Việt Nam là Philippines chiếm hơn 39% thị phần.
Về chủng loại gạo xuất khẩu, năm 2021, loại gạo xuất khẩu nhiều nhất là gạo Đài Thơm 8 với 1,17 triệu tấn, chiếm 18,78% tổng lượng gạo xuất khẩu. Tiếp đến là gạo 5% tấm (1,15 triệu tấn, chiếm 18,57%), gạo OM5451, nếp, gạo Jasmine,…
Ngoài ra, theo VFA, Thái Lan và Ấn Độ là hai quốc gia ảnh hưởng rất lớn đến thị trường thương mại gạo thế giới năm 2022. Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng dự báo xuất khẩu gạo Thái Lan năm 2022 sẽ tăng mạnh nhờ giá chào cạnh tranh.
Riêng Ấn Độ là nước luôn có sản lượng dồi dào nhờ thời tiết thuận lợi. Ấn Độ duy trì vị thế nguồn cung sẵn sàng với giá chào rất cạnh tranh trên thị trường lúa gạo toàn cầu.
Tuy nhiên, hơn hai năm qua, tình hình dịch COVID-19 chưa có tín hiệu lạc quan. Do đó, nhu cầu tiêu thụ tại các nước châu Á dự báo sẽ duy trì ở mức độ trung bình.
Một số thị trường mới nổi cũng được dự báo sẽ tăng cường nhập khẩu gạo trong năm nay như Bangladesh, Iran, Sri Lanka…
Thị trường châu Âu cũng được dự báo sôi động hơn trong thời gian tới nhờ các hiệp định thương mại tự do, trong khi thị trường châu Phi sẽ vẫn ổn định…
Riêng thị trường Trung Quốc có nhu cầu nhập khẩu gạo cao nhằm đảm bảo an ninh lương thực với quốc gia tỷ dân này.
Về chủng loại, gạo thơm các loại (chủ yếu là Đài Thơm và một số giống OM) dự kiến vẫn duy trì tỷ trọng lớn với kỳ vọng từ nhu cầu của thị trường Trung Quốc, Philippines.
Bên cạnh đó, phân khúc gạo nếp cũng được dự báo khá sôi động nhờ nhu cầu từ Trung Quốc…