Giá thép hôm nay ngày 15/9, giao tháng 1/2022 trên Sàn giao dịch Thượng Hải giảm 64 nhân dân tệ lên mức 5.534 nhân dân tệ/tấn tại thời điểm khảo sát vào lúc 12h00 (giờ Việt Nam).
Quá trình hợp nhất của ngành thép Trung Quốc đang có dấu hiệu tăng tốc trong những tháng gần đây. Chỉ trong tháng 7 và tháng 8, đã có 7 giao dịch liên quan đến mua bán và sáp nhập lớn được công bố, giúp làm tăng thị phần của 5 nhà sản xuất thép hàng đầu.
Trung Quốc đã cam kết sẽ đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2060, nhưng quốc gia này muốn đạt mức phát thải carbon cao nhất sớm hơn nhiều, vào năm 2030.
Để đạt được những mục tiêu này, một số ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng đã đặt ra kế hoạch cắt giảm khí thải cụ thể, trong đó có ngành công nghiệp thép - chiếm khoảng 15 - 20% lượng khí thải carbon quốc gia hàng năm.
Các giao dịch mua bán và sáp nhập gần đây đã giúp nâng thị phần của 5 nhà sản xuất thép hàng đầu Trung Quốc từ 26% lên 30% tổng sản lượng thép của cả nước.
Trên sàn Đại Liên, giá than luyện cốc kỳ hạn tháng 1/2022 giảm 5,4% xuống 2.703 CNY (419,25 USD)/tấn, giá than cốc giảm 5,3% xuống 3.342 CNY/tấn. Trong 10 ngày đầu của tháng 9/2021, giá than luyện cốc và than cốc tăng 19% và 11,6% theo thứ tự lần lượt, so với 10 ngày cuối tháng 8/2021, Tổng cục Thống kê Quốc gia cho biết.
Đồng thời, trên sàn Thượng Hải giá thép cây giảm 3,5% xuống 5.492 CNY/tấn. Giá thép cuộn cán nóng giảm 3,1% xuống 5.689 CNY/tấn. Giá thép không gỉ giảm 2,2% xuống 19.010 CNY/tấn.
Giá quặng sắt trên sàn Đại Liên giảm 1,5% xuống 711 CNY/tấn. Giá quặng sắt 62% Fe giao ngay sang Trung Quốc giảm 4,5 USD xuống 127 USD/tấn, công ty tư vấn SteelHome cho biết.
Trong năm nay, các nhà sản xuất thép của Trung Quốc đã được yêu cầu giữ sản lượng ngang bằng với mức năm 2020. Song, sản lượng ghi nhận trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 7 đã cao hơn 8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Do sản lượng sụt giảm, tỷ suất lợi nhuận bán thép cuộn cán nóng nội địa Trung Quốc tăng 256% từ 39 USD/tấn vào ngày 1/7 lên 139 USD/tấn vào ngày 6/9.
Xuất khẩu sắt thép tháng 8 cao nhất từ trước đến nay, gần 1,5 tỷ USD
Số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan cho biết trong tháng 8, xuất khẩu sắt thép các loại đạt 1,53 triệu tấn với trị giá gần 1,5 tỷ USD, tăng 33,8% về lượng và tăng 35,2% về trị giá so với tháng trước.
Còn so với tháng 8/2020, trị giá xuất khẩu của mặt hàng này cao gấp 2,5 lần. Đây là tháng có trị giá xuất khẩu sắt thép các loại cao nhất từ trước đến nay và là tháng thứ hai liên tiếp vượt 1 tỷ USD.
Tính đến hết tháng 8 năm 2021, cả nước xuất khẩu 8,54 triệu tấn sắt thép các loại với trị giá đạt gần 7,1 tỷ USD; tăng 43,4% về lượng và 127% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Sắt thép các loại được các doanh nghiệp xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường như ASEAN đạt 2,7 triệu tấn xấp xỉ mức xuất khẩu của cùng kỳ năm trước, Trung Quốc đạt 1,8 triệu tấn, giảm 13,2%.
Ngược lại, xuất khẩu nhóm hàng này tăng vượt trội sang hai thị trường EU và Mỹ. Cụ thể, xuất khẩu sang EU đạt 1,43 triệu tấn, tăng 7,5 lần, sang Mỹ đạt 540.000 tấn, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước.