Tình hình thép trên thế giới
Ngày 31/10 vừa qua, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã chấm dứt tranh chấp về thuế thép và nhôm. Họ cho biết sẽ làm việc trên một thỏa thuận toàn cầu để chống lại sản xuất "bẩn" và tình trạng dư thừa trong ngành.
Thỏa thuận giữa EU và Mỹ trong tương lai sẽ là một thách thức đối với Trung Quốc - quốc gia sản xuất hơn một nửa lượng thép của thế giới, nơi EU và Mỹ cáo buộc tạo ra tình trạng dư thừa công suất, đe dọa sự tồn tại của ngành thép.
Phát biểu tại một sự kiện chung với người đứng đầu Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết: "Mỹ và EU đã đạt được một bước đột phá lớn nhằm giải quyết mối đe dọa hiện hữu của biến đổi khí hậu, đồng thời bảo vệ việc làm của người Mỹ và ngành công nghiệp của Mỹ".
Theo thỏa thuận này, Washington sẽ cho phép các nước EU được miễn thuế đối với thép và nhôm xuất khẩu sang Mỹ với khối lượng tương đương khối lượng được vận chuyển trước khi chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump áp đặt thuế quan vào năm 2018.
Đáp lại, EU đã gỡ bỏ thuế quan trả đũa đối với các sản phẩm của Mỹ bao gồm rượu whisky, thuyền điện và xe máy Harley-Davidson (NYSE: HOG).
Nhưng thay vì chỉ trở lại nguyên trạng từ năm 2018, Mỹ và EU đã có kế hoạch ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu và tình trạng dư thừa sản xuất trong ngành thép - một trong những ngành phát thải CO2 lớn nhất trên thế giới.
Thép trong nước tiềm ẩn khả năng tăng mạnh
Giá thép phế liệu nhập khẩu cảng Đông Á có thời điểm được giao dịch ở mức 516 USD/tấn, tăng 33 USD/tấn so với hồi đầu tháng 9.
Việc các nguyên vật liệu phục vụ sản xuất thép tiếp tục đi lên có thể gây nhiều áp lực cho giá thép xây dựng trong 2 tháng cuối năm.
Theo đánh giá của Hiệp hội thép Việt Nam, giá nhiều loại nguyên vật liệu phục vụ sản xuất thép có nhiều biến động trái chiều trong tháng 10.
Đây là các biến động tiếp theo sau khi giá nguyên liệu sản xuất thép toàn cầu 9 diễn biến phức tạp, giá nguyên liệu sản xuất thép liên tục điều chỉnh tăng kể từ cuối năm 2020, trong đó giá quặng sắt thời điểm tháng 5 tăng cao gấp 2,6 lần, giá phế liệu đã tăng 2,5 lần so với thời điểm cùng kỳ năm 2020.
Bước sang các ngày tháng 10, giá quặng sắt có xu hướng đi xuống và có thời điểm được giao dịch ở mức giá với mức phổ biến 124,8 - 125,3 USD/tấn, giảm khoảng 8 USD/tấn so với thời điểm 8/9. Đáng chú ý, mức giá này giảm khoảng 85 USD/tấn nếu so với mức giá cao nhất được ghi nhận hồi đầu tháng 5 (lên tới 210 - 212 USD/tấn).
Tuy nhiên trong khi giá quặng sắt giảm nhiệt, giá nhiều nguyên vật liệu sản xuất thép khác như thép phế liệu và than mỡ luyện cốc lại tăng mạnh trong các ngày qua.
Cụ thể theo Hiệp hội thép Việt Nam, giá than mỡ luyện cốc xuất khẩu tại cảng Australia có thời điểm giao dịch ở mức khoảng 332,5 USD/tấn, tăng mạnh 32,5 USD so với đầu tháng 9.
Trong khi đó giá thép phế liệu nhập khẩu cảng Đông Á có thời điểm được giao dịch ở mức 516 USD/tấn. Mức giá này tăng 33 USD/tấn so với hồi đầu tháng 9.
Ở thời điểm hiện nay, việc các nguyên vật liệu phục vụ sản xuất thép tiếp tục đi lên có thể gây nhiều áp lực cho giá thép xây dựng trong 2 tháng cuối năm. Đặc biệt đây cũng là thời điểm nhu cầu sử dụng thép xây dựng tăng cao do nhu cầu xây dựng, sửa chữa nhà cửa của người dân thường tăng mạnh vào các tháng cuối năm cũng như các dự án bất động sản lớn được triển khai trở lại sau một thời gian dài giãn cách.
Theo đó giá thép xây dựng nhiều sản phẩm của các thương hiệu như Hòa Phát, Việt Ý, Việt Mỹ hay Việt Đức đều có mức tăng khoảng 200 - 310 đồng/kg.
Trong đó chốt tuần này, giá thép Hòa Phát dòng thép cuộn CB240 đang giữ mức giá 16.970 đồng/kg và thép D10 CB300 có giá 17.020 đồng/kg. Trải qua 3 lần tăng giá trong tháng 10, hiện giá thép đang ở mức cao nhất tính trong vòng 30 ngày qua.