Shipper khan hiếm
Được biết, siêu thị Aeon Tân Phú đã mở lại GrabMart và ShopeeFood, siêu thị Aeon Bình Tân đã mở lại ShopeeFood nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm, giao nhận hàng hóa thiết yếu của người dân tại 2 quận này.
Thời gian đầu mở lại, hai siêu thị cung cấp các combo từ thịt cá, rau củ, trái cây đến bánh mì, thực phẩm khô. Mức giá các combo này dao động từ 55.000 - 500.000 đồng. Khách hàng cũng có thêm lựa chọn phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trên ứng dụng để giảm thiểu tiếp xúc vật lý.
Ngay ngày đầu tiên mở lại, đại diện Aeon cho biết tại siêu thị Aeon Bình Tân, một số thời điểm đơn hàng quá tải, một phần do nhu cầu của người dân quá lớn nhưng số lượng shipper giao hàng vẫn hạn chế, không có shipper để nhận đơn.
Trong khi đó, Bách Hóa Xanh dù vẫn vận hành kênh online hơn một tuần qua nhưng đến nay vẫn liên tục quá tải. Mỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh khu vực quận Phú Nhuận, Bình Thạnh… hiện thông báo chỉ nhận khoảng 50-100 đơn mỗi ngày và chia mỗi ngày có ba khung giờ nhận đơn.
Với số lượng đơn không kịp giao, Bách Hóa Xanh yêu cầu mỗi số điện thoại chỉ được đặt hàng 3 ngày/lần. Đội ngũ shipper hoạt động lại cũng hỗ trợ giao hàng nhanh hơn. Khi mua hàng tại đây, đơn nào giao qua shipper, khách sẽ phải trả tiền ship theo cước ứng dụng.
Trên các nhóm cộng đồng kết nối khách hàng và tài xế, nhiều người đặt ứng dụng mãi không thành nên đăng bài tự tìm shipper bên ngoài. Tuy nhiên, các bài viết đăng từ sáng đến chiều vẫn không có shipper nào tương tác. Chị Thanh bán hải sản khô và các loại mắm tại quận Bình Thạnh cho biết không tìm được tài xế nào nhận đơn hôm nay.
Trước đó, chị hay tin các shipper sẽ ra quân hôm nay nên đã nhắn tin với khách hàng, hứa sẽ giao trong ngày. Đặt trên ứng dụng không thành công, chị Thanh lên trang cá nhân đăng bài hỏi thăm và lên các nhóm tìm shipper ngoài nhưng cũng rất vất vả.
Không thể “ép buộc” shipper phải ra đường
Chia sẻ lý do shipper khan hiếm, trao đổi với báo chí, đại diện AhaMove cho biết, thực tế thị trường đang chênh lệch cung - cầu khi số lượng shipper thấp hơn nhu cầu vận chuyển của người dân.
Khác với mô hình công ty giao nhận truyền thống - công ty thuê các shipper làm việc và họ là nhân viên của công ty, còn với mô hình mà AhaMove đang áp dụng, shipper là đối tác chứ không phải là nhân viên. Do vậy, doanh nghiệp này chỉ có thể tạo ra môi trường và các điều kiện khuyến khích đối tác hoạt động chứ không thể "ép buộc" họ phải ra đường.
Đại diện AhaMove nhấn mạnh."Shipper có toàn quyền quyết định đối với trạng thái và thời gian hoạt động của mình mà công ty không được can thiệp".
Theo đại diện AhaMove, việc nhiều tài xế không trở lại hoạt động dù đủ điều kiện có rất nhiều lý do. Có thể họ đột nhiên nằm trong vùng giới hạn hoặc sợ dịch bệnh nên không ra đường. Cũng có trường hợp "tắt app" vì sợ khi ra đường sẽ bị phạt dù được trang bị đầy đủ giấy tờ cần thiết, một phần do cách diễn giải quyết định của các bên khác nhau và trước đó đã có khá nhiều trường hợp shipper bị phạt vì lẽ trên.
Ngoài ra, thời gian qua, việc chỉ được phép hoạt động nội quận đã làm giới hạn phần lớn tới khả năng nhận đơn của tài xế và khó khăn cho khách hàng khi đặt đơn.
Để bớt khan hiếm shipper giao hàng tối ưu hơn, AhaMove kiến nghị có thể tăng thêm số lượng shipper được phép hoạt động. Đây là vấn đề liên quan lớn đến cân bằng cung cầu. Nếu shipper nhiều hơn, giá thành sẽ giảm xuống.
Thêm nữa, doanh nghiệp này cũng đề xuất tăng hạn sử dụng của giấy xét nghiệm lên 3-5 ngày. Việc giấy xét nghiệm chỉ có hạn sử dụng một ngày làm giảm số lượng shipper có thể hoạt động, do họ lo ngại xét nghiệm quá đông dẫn tới nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Cấp thêm 20.000 giấy đi đường
Mới đây, UBND TP.HCM đã đồng ý cấp thêm 20.000 giấy đi đường cho nhân viên thuộc các hệ thống bán lẻ để hỗ trợ gom đơn, sơ chế thực phẩm cho người dân. Đại diện một hệ thống siêu thị cho biết số lượng nhân sự vận hành siêu thị và chuẩn bị đơn hàng đã được tăng cường theo chỉ đạo của UBND và Sở Công Thương TP.HCM. Mỗi ngày, một siêu thị thuộc hệ thống này có thể chuẩn bị và giao tối đa hơn 2.000 combo, chưa kể các sản phẩm khác. Nhờ được tăng nhân sự, tại các điểm sơ chế rau củ quả của Công ty Quản lý và Kinh doanh Chợ Bình Điền trên đường Phan Văn Trị (quận Bình Thạnh) và Thống Nhất (quận Gò Vấp) đã tăng số lượng người lao động gấp 4 lần so với trước đây.