Gợi ý 5 món lẩu thơm ngon cho ngày lễ Quốc khánh 2/9 để cả nhà cùng sum họp

Lẩu là một món ăn không thể thiếu trong những ngày Lễ, Tết. Tại mỗi vùng miền đều có vị lẩu riêng, ăn kèm với các loại rau và các loại hải sản hoặc thịt gà, thịt lợn, thịt bò. Ngồi nhâm nhi bên 1 nồi lẩu thơm ngon trong ngày Lễ, Tết, cả nhà cùng nói chuyện, trao đổi, càng giúp cho tình cảm gia đình thêm gắn bó, bền chặt. Food Review gợi ý bạn 5 món lẩu rất thơm ngon và dễ làm cho dịp lễ Quốc khánh 2/9 này. 

1. Lẩu gà nấm

Nguyên liệu làm lẩu gà nấm:

- Hành tím

- Gừng đập dập

- Ớt sừng

- Ớt bột

- Sả đập dập

- Nấm hương

- Nước cốt chanh

- Khoai môn

- Ngô

- Hành lá, mùi tàu

- Thịt gà

- Nấm kim châm

- Cà chua

- Rau theo mùa

Cách làm lẩu gà nấm:

- Bật bếp, xào thơm hành tím, gừng, ớt sừng, ớt bột và xả.

- Đổ toàn bộ hỗn hợp vừa xào vào nồi và đổ nước vào ninh, cho thêm hạt nêm, nước mắm, 1 ít đường.

- Khi đun sôi bạn nhớ hớt hết bọt để nước không bị đục.

- Nước đun khoảng 20 phút thì bạn cho nấm hương vào, sau đó cho thêm nước cốt chanh. Tùy độ mỗi người thích ăn chua thì bạn cho lượng nước cốt chanh tương ứng.

- Chuẩn bị nước lẩu để ăn bạn sẽ làm tiếp như sau. Bạn lấy 1 nồi ăn lẩu, cho khoai môn, ngô ngọt, hành lá, mùi tàu, ớt, cà chua, 1 ít rượu trắng. Sau đó bạn đổ nước dùng vừa ninh vào nồi lẩu rồi ninh tiếp.

- Thịt gà bạn chặt nhỏ, vừa miệng, ăn kèm với nấm kim châm và rau theo mùa, thường là rau muống hoặc rau cải.

2. Lẩu bao tử hầm tiêu

Nguyên liệu làm lẩu hầm tiêu:

- 1 cái bao tử heo (miền Bắc gọi là dạ dày lợn)

- 1 cái xương ống

- 2 quả chanh to

- 1 chén muối

- 4 hoa đại hồi

- 1 chén rượu trắng

- 1 củ cải trắng

- 100g tiêu xanh

- Ớt xiêm xanh

- 200g nấm bào ngư xám

- Rau mồng tơi

- 3 củ hành tím

- Gia vị: muối, đường phèn, hạt nêm, bột ngọt

Sơ chế:

- Bao tử chọn bao tử tươi, màu trắng hồng nhạt, không bị thâm bầm.

- Lọc bớt phần mỡ quanh viền bao tử, sau đó lộn ngược bên trong ra, dùng dao cạo sạch nhầy, rửa lại với nước.

- Cho bao tử vào thau, vắt nửa quả chanh, cho 1 ít muối vào bóp khoảng 5 phút, rồi xả nước sạch (làm 4 lần).

- Nấu 1 ấm nước sôi, chế từ từ lên bao tử, lấy đũa trở đều mặt để nước sôi làm bong lớp nhầy ở thành bao tử.

- Sau đó vớt ra cạo sạch các lớp nhầy trắng đã bong lên, xả nước lại cho sạch.

- Cho 1 ít muối và nửa chén rượu trắng vào, tiếp tục bóp để khử mùi hoàn toàn, sau đó rửa lại thật sạch với nước lạnh.

- Lưu ý khi bóp rửa làm đều cả 2 mặt, nhưng kỹ phần bên trong hơn.

- Sau đó bắc 1 nồi nước lên bếp, cho vào 2 muỗng canh rượu, 4 hoa hồi, cho bao tử vào luộc 10 phút rồi vớt ra cho vào thau đá lạnh, sau khi nguội vớt ra thái sợi

- Đập 3 nhánh tiêu xanh và 5 trái ớt xiêm xanh cho dập, cho vào bao tử đã thái sợi 1 muỗng hạt nêm, ướp trong 20 phút. 

- Xương ống chặt ra làm 3, rửa sạch với nước muối, trụng qua nước sôi, rửa sạch lại rồi cho vào nước hầm với củ cải, hành tím. Khi sôi chú ý nhỏ lửa lại và vớt vọt thường để nước lẩu được trong. Cho vào nồi nước lẩu ớt xiêm xanh, tiêu xanh còn lại đập dập.

- Nêm muối, đường phèn, hạt nêm bột ngọt tuỳ khẩu vị của bạn, sau đó cho bao tử vào nấu thêm 15 phút là múc ra nồi lẩu.

- Bạn nên ăn kèm với bún, nấm bào ngư, rau mồng tơi

- Nước chấm các bạn có thể chấm nước mắm mặn, nước tương hoặc muối tiêu tuỳ sở thích.

3. Lẩu hải sản rau củ

Mọi người thường làm nước dùng lẩu từ xương, thịt, cá,… để nồi lẩu có vị ngọt và thơm ngon. Tuy nhiên, nếu thích ăn nước dùng thanh đạm hơn hoặc đơn giản là “chữa cháy” bằng cách phòng bếp “có gì dùng nấy” thì các bạn cũng có thể dùng một số loại rau củ làm nước dùng lẩu. Nấu nước dùng cho lẩu hải sản từ rau củ khá đơn giản nhưng để nồi nước trong, có vị ngọt thanh thì không phải ai cũng biết cách làm.

Để có 1 nồi lẩu hải sản từ rau củ bạn cần chuẩn bị: 

Nguyên liệu làm lẩu hải sản:

- Hành, tỏi

- Cà chua, cà rốt, su hào, hành tây, nấm hương, ngô Mỹ, rau thơm

- Gia vị: hạt nêm, đường, muối, sa tế

- Các loại hải sản nhúng lẩu tùy sở thích: cá, tôm mực, viên thả lẩu các loại,…

Sơ chế nguyên liệu:

- Khi nấu nước dùng từ rau củ, các bạn nên cắt các loại rau củ sao cho kích thước tương đối bằng nhau, có nhiều mặt cắt để tiết ra vị ngọt dễ hơn. Để các nguyên liệu không bị nát trong quá trình hầm khiến nước không được trong, các bạn nên xào sơ qua với dầu mè trước khi nấu.

- Gọt vỏ su hào, cà rốt, hành tây, ngô Mỹ, rửa sạch với nước muối pha loãng. Sau đó cắt nhỏ, vớt ra để ráo nước.

- Cà chua, hành tây rửa sạch, bổ múi cau.

- Băm nhỏ hành tỏi.

Hầm nước dùng:

- Bắc nồi lên bếp, khi nồi nóng, cho thêm chút dầu ăn và phi thơm hành tỏi với cà chua để tạo màu.

- Cho su hào, cà rốt, hành tây vào đảo đều để tăng độ bóng đẹp mắt. Lưu ý không nên đảo quá lâu khiến các nguyên liệu chín, nước dùng sẽ mất vị ngọt tự nhiên.

- Cho nước lọc vào nồi, nấu sôi. Sau khi nước sôi hạ nhỏ lửa, thêm chút muối, tiến hành ninh trong 1 tiếng.

- Khi nước dùng đã ngọt, vớt hết rau củ ra ngoài, lọc nước dùng qua rây để loại bỏ cặn.

- Thêm gia vị và ngô Mỹ, nấm hương, sa tế tùy khẩu vị. Bạn cũng có thể thêm vào một ít nguyên liệu đã hầm như hành tây, cà chua để nồi nước dùng thêm đẹp mắt.

- Cuối cùng là cho nước dùng lên nồi và thưởng thức cùng các loại hải sản tươi ngon.

Cách bảo quản nước dùng rau củ:

Nếu lỡ nấu quá nhiều hoặc đơn giản là muốn tiết kiệm thời gian thì bạn có thể để nguội nước, cho vào lọ hoặc hộp đậy kín và bảo quản bằng ngăn mát của tủ lạnh. Khi sử dụng, bạn chỉ cần mang ra và hâm lại. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý không để quá lâu và hâm lại nhiều lần sẽ làm mất chất dinh dưỡng. Một cách khác để bảo quản nước dùng tiện lợi hơn là cho vào khay đá và bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh. Hình thức này có thể giúp bạn định lượng được số nước dùng cho những lần sử dụng sau.

4. Lẩu bê đậm đà

Nguyên liệu làm lẩu bê:

- Xương cục chặt miếng nhỏ luộc qua, rửa sạch rồi ninh lấy nước trong làm nước dùng. 

- Nước dừa tươi 1 quả, vài quả cà chua, khế chua hoặc tai chua.

- Chuối xanh, khế, dứa, dưa chuột, cà rốt, tỏi, sả, ớt, bánh tráng để cuốn. 

- Rau xà lách, thơm, mùi, bạc hà...thêm rau cần để nhúng kèm hoặc các loại rau khác như bó xôi, cải cúc, cải thảo, cải mơ...tuỳ theo mùa và theo sở thích.

- Thịt bắp bê hoặc ba chỉ bê rút sườn.

- Đậu phụ cắt miếng nhỏ.

- Mắm nêm để pha chế làm nước chấm, bún để cuốn hoặc ăn như món bún nước.

Cách làm lẩu bê:

- Các loại rau rửa sạch để ráo nước bày ra đĩa

- Cà rốt, dưa chuột, dứa thái miếng nhỏ dài xếp ra đĩa. Có thể thêm chuối xanh nếu thích, gọt vỏ cắt lát mỏng rồi thái sợi, ngâm nước dấm hoặc nước muối pha loãng cho khỏi thâm. Vớt ra cho ráo nước để cuốn.

- Băm nhỏ tỏi, sả, ớt cho vào chảo phi thơm cùng xíu dầu ăn. Cho mắm nêm vào với ít nước lã chế thêm cho đỡ mặn, nêm thêm đường sao cho vị mặn ngọt vừa khẩu vị. Đun sôi rồi múc ra bát, cho dứa băm nhuyễn vào cho dậy mùi thơm và vị cũng ngon hơn.

- Sả thái lát, tỏi đập dập cho vào nồi phi thơm. Tiếp theo cho cà chua thái miếng cau vào xào chín tới. Chế nước xương ninh vào nồi, thả tai chua/khế chua vào, nêm gia vị, hạt nêm với chút đường, đun sôi nêm nếm lại sao cho nước dùng có vị chua chua thanh dịu.

Chế nước dùng vào nồi lẩu đồng thời cho vào ít nước dừa tươi, thả thêm mấy lát dứa, hành tây, cần tỏi tây vào cho thơm. Khi ăn đun sôi nước dùng, cho thịt bê vào nhúng vừa chín tới, cuốn với xà lách, bún, rau thơm, dứa, cà rốt, dưa chuột rồi chấm mắm nêm thưởng thức. Nhúng thêm rau, đậu  phụ ăn kèm cho phong phú, bún để ăn cùng với rau và thịt như món bún nước.

5. Lẩu Thái cá mú đỏ

Nguyên liệu làm lẩu Thái cá mú đỏ: 

- Râu, đuôi mực, tôm khô 

- Xương cục 

- Cá mú đỏ phi lê.

- Rau theo mùa. 

Cách làm lẩu Thái cá mú đỏ: 

Có hai cách lấy nước cốt làm nước lẩu.

Cách 1: Hầm râu, đuôi mực (khô) kèm ít con tôm khô để lấy nước. Vị nước dùng sẽ đậm vị hải sản rất ngon.

Cách 2: Hầm theo cách truyền thống, cho xương cục vào ninh lấy nước.

- Cho dầu ăn vào nồi, dầu nóng già thì cho sả đập dập, cắt khúc dài, 4 lát riềng thái mỏng, hành tím khô thái lát  và ít gừng vào đảo đều, dậy mùi thơm.

-  Cá mú đỏ phi lê, tách thịt để nhúng, phần xương có thể cho vào túi lọc nấu lấy nước dùng. Vì nếu thả không có túi thịt cá sẽ nát ra không được đẹp mắt, ninh lâu sẽ bị vụn mềm.

- Tiếp đó cho ít cà chua thái múi cau vào xào nát, đổ nước ninh ở trên vào, thêm nước dừa, cốt dừa (xay ra từ cùi dừa) và gia vị lẩu Thái tomyum, nấm hương.

- Nêm nếm vừa ăn, thêm sa tế, đun sôi cho lá chanh xé đôi vào, tắt bếp. Nhiều gia đình có thói quen cho ít cọng hành tây, cần tay vào ăn cũng rất thơm và ngon

Hi vọng rằng 5 món lẩu thơm ngon và bổ dưỡng mà Food.com.vn giới thiệu đến bạn sẽ giúp bạn có 1 nồi lẩu ngon để cả nhà cùng thưởng thức trong dịp lễ 2/9. Chúc các bạn thành công!

Đánh giá:  
5.0 / 5  (2 bình chọn)

Ẩm thực

Nổi bật