Bánh cáy làng Nguyễn - đặc sản quê lúa Thái Bình

Nhắc tới mảnh đất “chị hai 5 tấn” quê lúa Thái Bình, ngoài điểm đến chùa Keo cổ kính, đền Trần linh thiêng, du khách sẽ bị thu hút với những món ăn ngon đậm chất quê dân dã, mang đậm hương vị của vùng đất địa linh nhân kiệt. Ngoài canh cá Quỳnh Côi, nem chạo Vị Thủy, bún bung, nộm sứa hay bánh giò Bến Hiệp,… thì bánh cáy làng Nguyễn là đặc sản không thể bỏ qua bởi hương vị riêng biệt mà không nơi nào có được.  

Một thứ quà quê dân dã với sự kết hợp của nhiều nguyên liệu truyền thống, đó là vị ngọt thanh của mạch nha, sự cay nhẹ của gừng, vị béo ngậy của mỡ lợn và vị ngọt bùi của gạo nếp cái hoa vàng. Tất cả đã đem đến cho bánh cáy một hương vị ngọt bùi đặc trưng. Từng là sản vật tiến vua, ngày nay bánh cáy vẫn là thức quà quê bình dị, thứ quà quê đó đã được tạo ra và lưu giữ từ bàn tay khéo léo, tỉ mẩn, chất chứa tấm quê chân tình của người dân làng Nguyễn.

Nồng đậm bánh cáy tiến vua

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Trọng Cừ, là hậu duệ của cụ Nguyễn Thị Tần: “Thân phụ tôi thời đó lương làm quan ở trong huyện Chương Đức, năm 15 tuổi (năm 1740) cụ theo cha vào kinh, được vua Lê Hiển Tông phong cho làm Phu Nhân Dưỡng Giáo nuôi dạy công chúa, hoàng tử trong cung Lê Cảnh Hưng. Khi vào trong đây thì thấy Thái tử không ăn được cơm nơi này, nên cụ nghĩ ra hương vị đồng quê của quê nhà, cụ đã về sáng chế ra làm thành bánh để mang vào cho Thái tử ăn, sau đó cụ về truyền lại cho dân làng làm theo. Bánh có tên là bánh cáy bởi lúc đó mang vào tiến Thái tử, tiến vào cung vua thì thấy cái bánh giống như trứng con cáy của vùng đất Thái Bình nên vua Lê Hiển Tông đặt tên là bánh cáy”. 

Vua Lê Hiển Tông đặt tên cho loại bánh này là bánh cáy

Qua chia sẻ của ông, chúng ta có thể biết rằng cụ Nguyễn Thị Tần - con gái đời thứ 6 của tộc họ Nguyễn Công chính là người đã làm ra loại bánh này, truyền dạy cho mọi người trong làng và được người dân gìn giữ, phát triển đến tận ngày nay.

Bánh cáy - thức quà quê mang đậm hương vị truyền thống của làng Nguyễn

Thái Bình có nhiều nơi làm bánh cáy nhưng nổi tiếng hơn cả vẫn là loại bánh có xuất xứ từ làng Nguyễn, thuộc xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng. Món bánh quê tuy giản dị nhưng đòi hỏi quy trình chế biến tỉ mỉ, công phu. Hiện, toàn xã có khoảng 300 hộ làm bánh, cho sản lượng 120-150 tấn mỗi tháng. 

Để làm được một mẻ bánh cáy, trước đó ít nhất khoảng nửa tháng, mỡ lợn đã được thái nhỏ hạt lựu rồi ướp trộn với đường cho thấm. Sau đó, gần đến lúc làm bánh, nguyên liệu này tiếp tục được đem xào cho đến khi khẩu mỡ đạt độ trong và giòn. Các phụ liệu như lạc, vừng cũng được bà con rang chín, xát nhẹ để bỏ vỏ. Cà rốt, gừng tươi, vỏ quýt tươi đem xào đường rồi để riêng.

Nếp làm bánh phải là loại nếp cái hoa vàng vừa thơm vừa dẻo. Nếp được chia làm 3 phần, trong đó, hai phần để nấu xôi, một phần để làm bỏng. Gạo nấu xôi tiếp tục đem chia đôi, một nửa nấu xôi gấc cho màu đỏ và nửa còn lại nấu với nước quả dành dành để tạo màu vàng tươi. Sau khi hai loại xôi đã chín, người dân đem trộn với nhau rồi giã nhuyễn. Hỗn hợp quyện đều tiếp tục được cán mỏng, cắt thành lát nhỏ dài như mứt bí rồi sấy khô. Phần gạo nếp còn lại, người dân rang thành bỏng cho nở bung, sau đó sàng sẩy sạch trấu để có mớ nẻ dậy mùi thơm.

Bánh cáy làng Nguyễn, xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng

Sau khi đã sơ chế hoàn chỉnh, người làm đem hỗn hợp trên trộn đều với mật mía và đổ vào chảo, đảo đều tay cho tới khi dậy mùi thì múc vào khuôn gỗ đã lót sẵn vừng bên trong để tạo hình. Bánh khi cứng lại được lấy ra khỏi khuôn và khoác lớp "áo vừng" bóng bẩy bên ngoài.

Món quà quê tưởng chừng như rất dân dã nhưng lại chất chứa cả tấm chân tình của người làm nghề. Họ nâng niu, tỉ mẩn với cái tâm với nghề để gìn giữ, lưu truyền, phát triển và làm ra một loại bánh mang đậm hương vị quê lúa Thái Bình. 

Với những nguyên liệu quen thuộc từ miền đất địa linh nhân kiệt, hy vọng bánh cáy sẽ mang đến cho du khách những giây phút thực sự hạnh phúc với hương vị đặc biệt của nó.

Đánh giá:  
 Chưa có bình chọn nào

Ẩm thực

Nổi bật