Người dân làng Ngọc - “ngủ ngày cày đêm”
Khác với nhiều vùng quê ở Bắc Bộ, tại xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, những người nông dân ở đây hay đùa nhau rằng họ “ngủ ngày cày đêm”. Công việc của họ thường bắt đầu từ lúc đầu giờ chiều đến nửa đêm để cho ra những mẻ cơm nắm, mẻ bánh giầy thơm ngon nhất để phục vụ thực khách Thủ đô.
Thôn Ngọc, xã Lạc Đạo là một vùng quê chỉ cách Thủ đô Hà Nội chừng 30km, không còn những nét cổ xưa đậm chất làng quê Việt như nhiều ngôi làng khác, làng Ngọc được khoác lên mình những ngôi nhà cao tầng khang trang. Có được cuộc sống khấm khá như ngày hôm nay tất cả là nhờ vào sự cần cù, chắt chiu từ những đôi bàn tay thoăn thoắt làm ra những mẻ bánh giầy, những mẻ cơm nắm phục vụ cho thực khách.
Khác với những ngôi làng khác, công việc của người dân nơi đây bắt đầu từ lúc 2h chiều là thời điểm những mẻ xôi đồ trắng muốt, thơm lừng đang ra lò để hình thành lên những chiếc bánh giầy thơm ngon. Tuy nhiên, trước khi đồ xôi, khâu ngâm gạo được người dân làng Ngọc chú trọng nhất bởi bánh giầy có ngon hay không phụ thuộc hoàn toàn vào nguyên liệu.
Gạo nếp cái hoa vàng được ngâm nước 6 tiếng trước khi đồ xôi. Khác với nhiều năm trước, hơn 10 năm trở lại đây, những người dân tại làng Ngọc đã biết tận dụng nồi hơi để đồ xôi. Việc đồ bằng nồi hơi không những giúp tiết kiệm thời gian mà còn có thể điều chỉnh được độ vừa phải để xôi chín đều, không bị nát.
Cơm nắm, bánh giầy giò - hương vị quà quê
Nghề làm cơm nắm, bánh giầy giò làng Ngọc đã hình thành và phát triển hơn 40 năm qua. Khi ấy, đa số những người phụ nữ nông dân trong làng chỉ biết làm đồng mà chẳng đủ ăn. Cái đói, cái nghèo cứ luẩn quẩn rồi trong cái khó ló cái khôn, một vài người đã nghĩ đến món cơm nắm muối vừng vừa ngon lại rẻ nên đã làm để bán. Hồi đó tại xã Lạc Đạo có ga xe lửa, mỗi ngày đỗ vài lần tấp nập và cứ thế món cơm nắm, bánh giầy giò dần thịnh hành và giờ là một trong những thứ quà quê dân dã, không thể thiếu vào mỗi sáng trên khắp phố phường Hà Nội.
Có lẽ cơm nắm, bánh giầy giò cho đến ngày nay vẫn là một món ăn ẩn sâu trong đó là hồn quê mộc mạc, hương vị không thể lẫn với bất kỳ một món ăn nào khác. Để rồi bao nhiêu lần thưởng thức cũng là từng đấy lần thấy thương nhớ một vùng quê yên bình với những con người chất phác, mộc mạc.
Món ăn này sẽ còn được gìn giữ và phát triển từ người dân làng Ngọc nói riêng và người thưởng thức nói chung bởi sự giản dị và bởi chính tấm chân tình được người dân làng nghề gửi gắm trong món ăn.