Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tính đến hết tháng 11/2021, tổng giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt hơn 1,4 tỷ USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, Trung Quốc là thị trường số 1 (chiếm 28%), Mỹ là thị trường số 2 (chiếm 22%) xuất khẩu cá tra Việt Nam.
Nhiều dự báo việc xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ sẽ tiếp tục tăng và có thể cao hơn cả Trung Quốc vào đầu năm sau. Nguyên nhân do nhu cầu tiêu thụ thị trường này cao nhưng sản xuất nội địa Mỹ giảm.
Theo VASEP, dự tính xuất khẩu cá tra năm 2021 sẽ cán đích khoảng 1,54 tỷ USD, tăng 3% so với năm 2020.
Đây là kết quả rất đáng khích lệ, là sự nỗ lực rất lớn của ngành thủy sản và các doanh nghiệp sau khi mở cửa sản xuất trở lại.
Theo ghi nhận mới nhất, giá cá tra nguyên liệu tại các tỉnh ĐBSCL hiện tăng 5.00-2.000 đồng/kg dao động lên mức 23.500-24.000 đồng/kg sau gần một năm giá xuống thấp do ảnh hưởng dịch Covid-19.
Tuy nhiên, với giá thành này, người nuôi cá tra chỉ có thể gỡ vốn hoặc lãi ít do thời gian qua các hộ phải nuôi cầm cự đàn cá trong thời gian giãn cách khiến chi phí thức ăn lên cao.
Đồng thời, các doanh nghiệp hiện vẫn rất thận trọng trong việc sản xuất chưa thể bình thường hóa 100% do tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp.
Giá cá tra nguyên liệu đã giảm thấp từ đầu năm nay làm ảnh hưởng đến tâm lý đầu tư sản xuất. Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo rằng quý 1/2022 có thể xảy ra tình trạng thiếu nguyên liệu cho chế biến…
Xuất khẩu cá tra năm 2022 sang các thị trường nhỏ như Brazil, Mexico, Colombia, Anh dự báo nhiều lạc quan, triển vọng cho doanh nghiệp Việt Nam.