Bãi cát ven biển Ngũ Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế) nổi tiếng mấy chục năm qua về việc nuôi tôm thẻ chân trắng mang lại nhiều lợi nhuận. Tuy nhiên, việc nuôi tôm đòi hỏi kỹ thuật cao, chuyên nghiệp nếu không sản lượng sẽ rất bấp bênh.
Do đó, sau quá trình nghiên cứu tìm hiểu, nhiều hộ dân ở xã Điền Hương (Phong Điền) đã mạnh dạn đưa ốc hương vào nuôi tại các ao đầm bỏ hoang.
Ốc hương là loại hải sản phù hợp với thời tiết vùng cát ven biển, tiềm năng phát triển lâu dài và giá thành bán ra cao.
Ốc hương còn có giá trị dinh dưỡng, kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng. Ngoài ra, người dân có thể nuôi với số lượng lớn.
Thực tế cho thấy, các mô hình nuôi ốc hương thí điểm đã mang lại hiệu quả cao. Với 2.000 m2 trong vòng 6 tháng nuôi, ốc hương đạt trọng lượng 100 con/kg.
Giá thành bán ốc hương cao ngất ngưỡng, dao động trong khoảng từ 300.000-350.000 đồng/kg, người nuôi có thể lãi được 500 triệu đồng/vụ.
Trong khi đó nguồn thức ăn chủ yếu của ốc hương là tôm, cá tạp giá rẻ nên chi phí đầu tư nuôi ốc hương không tốn nhiều, chỉ bằng một nửa so với chi phí nuôi tôm thẻ.
Chuyên gia thủy sản chia sẻ, nuôi ốc hương hoàn toàn phù hợp với tiềm năng vùng cát ven biển Ngũ Điền nói riêng và trên địa bàn tỉnhTT- Huế nói chung.
Năm nay, do ảnh hưởng phức tạp của dịch COVID-19 làm giá ốc hương khá thấp, nhưng mỗi hộ nuôi vẫn có lãi đều.
Ốc hương không chỉ có giá trị kinh tế cao mà còn là đối tượng dễ nuôi, dễ thích nghi với điều kiện môi trường, thời tiết vùng biển, ít xảy ra dịch bệnh. Dù ốc hương có bệnh, nhưng các hộ nuôi có thể chủ động xử lý, không lây lan rộng.
Đồng thời, bất chấp thời tiết nắng nóng diễn biến phức tạp ở một số thời điểm, ốc hương vẫn thích nghi tốt với điều kiện thời tiết như thế này.