Tình hình dịch bệnh tại các tỉnh thành trên cả nước kéo dài khiến người nuôi hải sản khóc ròng, khi hàng tồn đọng quá nhiều, thị trường tiêu thụ lại “đóng băng”, không thấy bóng dáng thương lái thu mua.
Hiện nay, dù việc nới lỏng giãn cách đã được thực hiện nhưng theo nhiều tiểu thương so với trước giãn cách, sức mua đã giảm mạnh. Tình trạng chung các quầy hải sản đều lâm vào cảnh ế ẩm, nguồn hàng để nhập tuy nhiều nhưng việc nhập hàng không thuận tiện như trước.
Cụ thể, người nuôi cá lồng ở thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An “dở khóc, dở cười” khi hàng trăm tấn cá vược, cá hồng mỹ, đã đến vụ thu hoạch nhưng thị trường tiêu thụ “lắng đọng”…
Các hộ chăn nuôi thủy sản đang phải đứng trước nguy cơ thua lỗ khi tôm thẻ, ốc hương, ngao rớt giá thảm, khó tiêu thụ.
Giá cả tôm, ốc giảm sâu xuống 30%
Tại Cồn Vạn, xã Cẩm Lĩnh (huyện Cẩm Xuyên) - được xem là thủ phủ nghề nuôi ốc hương của tỉnh Hà Tĩnh, người nuôi ốc hương tại đây đang lo sợ mất ăn mất ngủ vì ốc hương đã qua vụ thu hoạch một tháng nhưng thương lái không dám mua vì khó tiêu thụ, giá thì giảm sâu nguy cơ lỗ nặng.
Theo ghi nhận của Food.com.vn, giá ốc hương được thương lái mua sỉ mỗi kg với giá 180.000-200.000 đồng loại 130 con/kg. Hiện tại giá giảm còn 120.000-150.000/kg. Mức này cũng đang giảm thêm 70.000 đồng/kg so với hồi đầu tháng 8.
Ốc hương là loại hải sản được nhiều người yêu thích nhờ hương vị, thịt giòn và chế biến được nhiều món ngon, loại ốc này có giá dao động từ 350.000 – 500.000 đồng/kg, tùy loại và điểm bán thời cao điểm trước dịch.
Tại các chợ hải sản, chợ bán lẻ, giá ốc về tay ở mức 180.000 – 200.000 đồng/kg giảm gần 50% so với trước. Để hút khách, nhiều điểm bán hạ giá cho khách mua từ 2-5kg về mức 170.000 đồng/kg. Tại Hà Nội, nhiều người tìm mua hải sản giảm giá để đổi bữa trong mùa dịch.
Trong khi đó, giá ốc thương phẩm từng có thời điểm lên tới 280.000-300.000 đồng/kg thì nay chỉ ở mức dưới 230.000 đồng/kg.
Để gỡ vốn, nhiều người nuôi ốc đành bán giá thấp để gỡ vốn trước mùa mưa bão. Không chỉ ốc hương mà người nuôi tôm thẻ, ngao, cua ở các huyện Nghi Xuân, Lộc Hà, Thạch Hà… (Hà Tĩnh) cũng lo đổ nợ vì không thể tiêu thụ số lượng hải sản quá tuổi.
Một số loại hải sản bị ảnh hưởng khác như tôm sú size 10 con/kg trước đây là 500.000 đồng/kg thì hiện tại chỉ 380.000 đồng/kg, cua thịt 3 con/kg có giá 320.000 đồng/kg, giảm mỗi loại từ 70-100.000 đồng/kg, bào ngư có giá 30.000 đồng/con…
Cá lồng quá lứa vẫn chờ người mua
Dịch bệnh làm thị trường bị đứt gãy khiến hàng trăm nghìn tấn hải sản, nông sản của người dân gặp khó khăn trong tiêu thụ.
Theo đó, vụ thu hoạch cá hồng mỹ, cá vược đã bắt đầu hơn một tháng, nhưng không ai tới mua, mang đi bán cũng không được. Người dân còn phải đau đầu trong việc cho cá ăn thì sợ quá lứa, không cho ăn thì cá chết…hoàn cảnh trớ trêu vô cùng.
Những năm trước cá lồng có mức giá 50.000-80.000 đồng/kg, người dân thu lãi gần 200 triệu đồng từ việc nuôi cá lồng.
Thế nhưng, năm nay vụ thu hoạch đã bắt đầu hơn một tháng nhưng thương lái không tới mua, bắt cá đi bán cũng không được do thị trường đóng băng vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Các loại cá lồng có giá trị kinh tế cao, mục tiêu đến khách hàng du lịch hay thị trường trong nước nhưng dịch bệnh khiến người nuôi không tìm được đầu ra, trong khi tiền đầu tư thức ăn khá lớn nên dù bán được cũng chỉ gỡ hoàn vốn cho người nuôi hoặc giảm mức độ thua lỗ.
Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh cho biết toàn tỉnh hiện còn gần 7.000 tấn cá nuôi ngọt, 5.000 tấn tôm thẻ, hơn 2.600 tấn nhuyễn thể đang trong vụ thu hoạch song khó khăn tiêu thụ. Ảnh hưởng của dịch cũng khiến giá bán các loại thủy hải sản này giảm 20-30% so với năm trước.