Chuyên cung cấp con giống ốc bươu đen
Ông Danh Kiệt, chuyên cung cấp con giống ốc bươu tại khu phố Hồng Hạnh, thị trấn Giồng Riềng, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang cho biết ốc bươu mùa nắng đẻ trứng nhiều, hiện trứng ốc mà ông Kiệt bán cho bà con đem về tự ấp có giá 1 triệu đồng/kg (khoảng 60-70 ổ trứng) nhưng không có đủ để bán.
Theo ông Kiệt, ốc bươu đẻ quanh năm, sau khi trứng nở, vỏ của ốc con cứng dần và tự bò xuống nước kiếm các chất hữu cơ phân hủy trong nước để ăn và lớn dần. Ðể tỷ lệ ốc con nở đạt cao, cứ mỗi sáng sớm ông thu trứng ốc đẻ ngoài ao rồi cho vào thùng xốp được tạo độ ẩm thích hợp giống như bên ngoài thiên nhiên ấp.
Sau không ít thất bại, cuối cùng ông Kiệt cũng thành công khi cho trứng ốc nở theo ý muốn.
Thanh niên khởi nghiệp từ ốc bươu đen
Anh Dương Văn Long, thôn 4 Thanh Tân, xã Thanh Thủy, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình cũng lập nghiệp từ ốc bươu đen.
Đầu năm 2020, sau khi tham khảo nhiều mô hình phát triển kinh tế của anh em, bạn bè, anh Long nhận thấy, ốc bươu đen đã trở thành đặc sản, nhưng ngày càng khan hiếm ngoài môi trường tự nhiên, vì vậy, anh quyết định đầu tư nuôi ốc bươu đen.
Để tìm hiểu kỹ thuật cũng như cách chăm sóc, anh đã ra Nghệ An, Hà Tĩnh học hỏi, tham quan các mô hình, trang trại nuôi ốc bươu đen. Trở về, anh đầu tư gần 350 triệu đồng để mua giống, xây 8 hồ với diện tích 500m2 để nuôi ốc bươu đen.
Theo chia sẻ của anh Long, ốc bươu đen là loại ưa sạch sẽ, chỉ sống trong môi trường nước sạch, không ô nhiễm, không chung sống với các loài khác, như: cá, vịt, ngan. Vì thế, để ốc khỏe mạnh, nhanh lớn, cần chú ý cung cấp lượng thức ăn vừa đủ, đều đặn, không cho ăn quá nhiều. Bởi chính những thức ăn thừa sẽ dễ gây ô nhiễm môi trường nước khiến ốc bị chết, mắc bệnh. Cần thường xuyên vệ sinh hồ nuôi, làm sạch bèo, cỏ, dùng chế phẩm sinh học xử lý đáy ao, sau đó, mới bơm nước vào hồ nuôi và duy trì mực nước cao 60-80cm để giữ độ an toàn cho ốc.
Anh Long cũng lưu ý, ốc bươu đen chịu nóng kém nên mùa hè cần phải chú ý chống nóng bằng cách thả thêm bèo vào hồ, làm mát bằng màng lưới hoặc trồng cây leo phủ bóng mát. Còn trong mùa đông, ốc gần như không hoạt động nên người chăn nuôi cần phải giảm bớt nước trong hồ, thả nhiều bèo để giữ ấm cho ốc.
Nhờ nắm vững các kỹ thuật nên gia đình anh Long đã có 8 hồ nuôi ốc với số lượng hơn 20 vạn con bao gồm cả ốc giống, ốc bố mẹ, ốc thịt. Tùy thời điểm ốc có giá khác nhau nhưng dao động từ 90.000-100.000 đồng/kg đối với ốc thịt, 3,5-4 triệu đồng/kg đối với ốc giống, ốc bố mẹ 150.000-250.000 đồng/kg, trứng ốc dao động từ 2-3 triệu đồng/kg.
Năm 2020, tiền bán ốc đã mang lại nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng cho gia đình anh.
Thu tiền tỷ mỗi năm
Thêm một trường hợp nuôi ốc bươu đen nữa đó là anh Lương Quốc Việt (xóm Lục Thành) cùng nhiều hộ dân khác ở xã Thung Nung, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên.
Chỉ sau hơn 4 tháng chuyển đổi từ ruộng canh tác anh Việt đã thu hồi vốn đầu tư trên 50 triệu đồng và đến hết năm 2020, gia đình anh đã thu về gần 150 triệu đồng tiền lãi từ bán trứng giống và gần 2 tấn ốc thương phẩm.
Trao đổi trên báo Thái Nguyên, anh Việt dự kiến, năm 2021, anh có thể thu về trên 3 tấn ốc thương phẩm và trên 1 tạ trứng với lợi nhuận đạt trên 200 triệu đồng.
Chia sẻ thêm trên Dân Trí, anh Trần Song Anh (SN 1985, ở xã Liên Minh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) cho biết, từ việc bán ốc giống và ốc thương phẩm, mô hình này năm 2020 đã đem lại cho anh Song Anh nguồn thu gần 2,7 tỷ đồng, sau khi đã trừ các khoản chi phí.
Được biết, ốc bươu có sức đề kháng tốt, nguồn thức ăn cũng rất đơn giản, chỉ là bèo tấm, rau xanh, lá ráy, khoai lang, các loại củ quả... Đặc biệt, người chăn nuôi cũng chỉ phải mua giống một lần nên chi phí đầu tư khá thấp.