Giải pháp phát triển chuỗi cá tra sau giãn cách xã hội

Dịch bệnh kéo dài làm chuỗi ngành hàng cá tra đứt gãy nghiêm trọng. Dự đoán vào thời điểm cuối năm 2021 kéo đến quý 1 năm 2022 sẽ có nguy cơ thiếu nguyên liệu kéo dài. 

Ngành hàng cá tra Việt Nam đang phải đối mặt nhiều khó khăn do thiếu nguyên liệu sau những ảnh hưởng của dịch Covid-19. 

Chỉ riêng tháng 7 và tháng 8, diện tích thả nuôi cá tra giảm 50-55% so với trước đó và giảm 25,9-33,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sản lượng cá tra thu hoạch đạt 932.000 tấn, bằng 81,1% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, tháng 7 giảm 20%, tháng 8 giảm 44,9%, đặc biệt nửa đầu tháng 9 giảm đến 77% so với cùng kỳ.

Nguy cơ cao ngành cá tra sẽ xảy ra thiếu hụt nguyên liệu phục vụ cho chế biến và xuất khẩu vào cuối năm nay và đầu năm 2022. 

Ngành cá tra đối mặt nguy cơ thiếu nguyên liệu kéo dài

Hiện ở các tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang và Vĩnh Long chỉ có 14/42 doanh nghiệp hoạt động theo phương án “3 tại chỗ” từ giữa tháng 7 đến nay, với công suất chỉ 10-30%.

Doanh nghiệp tạm ngưng sản xuất chiếm số lượng lớn nên dù nhu cầu cá tra trên thị trường tăng cao cũng không tận dụng được cơ hội, dẫn đến kim ngạch xuất khẩu sụt giảm. Chỉ riêng tháng 9 cá tra xuất khẩu có thể giảm trên 30%. 

Hiện tại với tình trạng hồi phục rất chậm của các doanh nghiệp cá tra trong thời gian này thì khả năng chậm trễ những đơn hàng là tất yếu xảy ra. 

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), sự phân bổ vắc xin không đồng đều giữa các tỉnh, chưa phủ đều vắc xin khiến doanh nghiệp chưa mạnh dạn tái sản xuất, không dám nhận những đơn hàng mới cho dịp cuối năm nay và đầu năm sau. Việc huy động lao động quay lại làm việc cũng là vấn đề nan giải…

Đại diện VASEP cũng đề xuất cần có bộ quy tắc hướng dẫn phòng chống dịch bệnh cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản để làm "kim chỉ nam" trong thực hiện phục hồi sản xuất.

Cần có quy định thống nhất rõ ràng về xét nghiệm, tiếp nhận lao động trở lại, ứng phó với sự cố khi có ca F0, quy định cụ thể với người tiêm 1 mũi, 2 mũi và cần phủ vắc xin gấp cho công nhân ngàng cá tra. 

Tương tự, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho rằng, tiêm vắc xin là ưu tiên hàng đầu, cần phân bổ cho các tỉnh ĐBSCL, đặc biệt lao động trong chuỗi cá tra để duy trì hoạt động, khôi phục sản xuất. Nếu kéo dài “3 tại chỗ” thì không có doanh nghiệp nào chịu nổi…Ngoài ra, các ngân hàng thương mại cần giảm lãi suất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn hiện nay. 

Đánh giá:  
 Chưa có bình chọn nào

Ẩm thực

Nổi bật