Theo đó, Mỹ sắp áp thuế hơn 412% đối với mặt hàng mật ong xuất khẩu từ Việt Nam. Việc này tác động trực tiếp và gây khó khăn cho người nuôi ong cũng như ngành ong mật Việt Nam.
Theo Bộ Công thương, việc Mỹ đánh thuế cao là do Mỹ vẫn chưa coi Việt Nam là nền kinh tế thị trường, nên đánh thuế cao mật ong nhập khẩu từ Việt Nam.
Theo quy định, nước nhập khẩu sử dụng một nước thứ ba có sự phát triển kinh tế tương đương với Việt Nam làm căn cứ so sánh.
Được biết, Mỹ đã chọn Ấn Độ làm nước thay thế. Nhưng có sự khác biệt trong đánh thuế quan của Mỹ khi Ấn Độ chỉ chịu mức thuế 6,7% nhưng áp thuế với Việt Nam lại tăng gấp 61 lần.
Mới đây, đặc phái viên của Mỹ đã sang làm việc với Bộ Công Thương, sau khi nghe đề xuất đã cam kết về trao đổi lại với đối tác nhập khẩu mật ong.
Tuy nhiên, kết quả áp thuế ra sao vẫn là vấn đề nan giải với các doanh nghiệp kinh doanh mật ong hiện nay.
Chuyên gia cho rằng, về lâu dài, doanh nghiệp Việt Nam cần tính tới việc chuyển hướng vùng nuôi, tổ chức sản xuất và chứng minh được sản phẩm với chi phí hợp lý.
Đồng thời, quy trình sản xuất phải bảo đảm đủ tiêu chuẩn và quy cách an toàn mà tổ chức Mỹ đã nêu ra.
Cuối năm 2021, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố mức thuế chống bán phá giá sơ bộ đối với mặt hàng mật ong Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ lên tới 412,49% và có thể áp dụng từ tháng 4 tới đây.
Hiện Bộ Công Thương Việt Nam đã đề nghị Bộ Thương mại Mỹ làm rõ phương pháp tính biên độ bán phá giá và đồng thời đề nghị việc tính thuế phải trên cơ sở khách quan, công bằng, theo đúng quy định của WTO, đảm bảo quyền lợi cho người nuôi ong và doanh nghiệp Việt Nam.
Hiện Mỹ là thị trường xuất khẩu chính của ngành mật ong Việt Nam, chiếm hơn 95% tổng khối lượng mật ong xuất khẩu.
Việc Mỹ duy trì thuế trên 400% vào tháng 4 này sẽ tác động tiêu cực đến ngành nuôi ong, công việc của người dân, cũng như ảnh hưởng đến việc trồng trọt giúp thụ phấn hoa của Việt Nam.