Những loài cá, hải sản dưới đây bạn nên thận trọng khi ăn kẻo rước hoạ 

Có những loài hải sản chứa độc tố mạnh, có thể gây tử vong ở người bạn nên cẩn trọng khi chế biến. 

Cá nóc có độc

5 loại cá nóc có độc bao gồm: Cá nóc răng mỏ chim, cá nóc tro, cá nóc vằn mặt, cá nóc chấm cam, cá nóc chuột vằn mang, trong đó cá nóc chấm cam và cá nóc chuột vằn mang là hai loài độc nhất.

Nhận biết cá nóc chuột vằn mang: Thân có dạng hình trứng, vây lưng viền đen, bụng màu trắng, trong trứng chứa chất độc cực mạnh. 

Chất độc trong 100g trứng có thể giết chết 200 người. Cá nóc chuột vằn mang có hàm lượng độc chất cao nhất từ tháng 4 đến tháng 10 trong năm. Độc tố của loại cá này tập trung nhiều ở gan, thận, tuỵ, cơ quan sinh sản (buồng trứng, túi tinh), mắt, mang, da, máu của cá nóc.

Cá nóc chấm cam (Torquigener gallimaculatus) có lượng chất độc rất đáng sợ. Cứ 100g trứng hoặc gan loài cá này có thể giết chết 60 – 70 người. Người chỉ cần ăn 10 gam thịt cá nóc có độc tố là bị ngộ độc, chỉ từ 1-2mg độc tố có thể gây chết người.

Nếu chỉ đun nấu thông thường, ngộ độc cá nóc vẫn có thể xảy ra, do độc tố chưa bị phá huỷ hết. 

Các loài cua độc

Nhiều loại cua cũng rất độc, độc tố trong cua có dạng “Saxitonin" nhiều nhất ở trong thịt càng, trứng, chân cua. Đáng chú ý là độc tố tetrodotoxin, gonyautoxin và saxitoxin. Đặc điểm của các độc tố này là bền vững với nhiệt, tức là vẫn giữ nguyên sau khi nấu chín. Đây là độc tố cực mạnh với hệ thần kinh, chỉ cần 0,5mg đã có thể gây tử vong cho người lớn.

Vì thế, khi xâm nhập vào cơ thể, độc tố sẽ gây liệt tất cả các cơ, tê bì môi lưỡi chân tay… Phần lớn các trường hợp tử vong là suy hô hấp do liệt các cơ. 

Cua mặt quỷ: 

Cua mặt quỷ có màu xanh da trời pha xanh lá cây, ngón các chân kìm có màu nâu đen. Diễn biến ngộ độc của cua mặt quỷ rất nhanh, có thể xuất hiện sau ăn trong vòng vài tiếng trở lại. Cua mặt quỷ sống ở các tỉnh ven biển miền Trung từ Đà Nẵng đến Vũng Tàu, thường gặp ở các rạn cạn, vùng triều thấp.

Có nhiều trường hợp người dân ăn cua ngoài biển, trên đảo bị ngộ độc không kịp đưa vào bờ cứu cữa, có đã trường hợp tử vong trên đường. 

Các loại ốc

Ốc cối địa lý có hình trứng dài, có thể dài hơn 150mm. Vỏ mỏng, nhẹ, dễ vỡ. Chóp xoắn thấp, có ngấn và viền ngoài tạo thành hình răng cưa. Vỏ có màu trắng hơi xanh chuyển sang hơi tím. Hoa vân của vỏ hình mạng lưới màu nâu và hai hàng vệt lớn màu nâu.

Ốc cối hoa lưới

Trong khi đó, ốc cối hoa lưới vỏ có dạng hình trứng thuôn, dài tối đa 130mm. Vỏ dày, chắc và nặng. Chóp xoắn có dạng hình nón, vòng xoáy đều và láng. Màu sắc của vỏ thay đổi, thường là trắng hơi xanh. Hoa vân màu nâu hơi vàng có hình mạng lưới không đều, điểm những vệt màu nâu lớn. Khi chạm vào ốc cối có thể bị ốc cối tấn công và bị nhiễm độc. 

Từ những loại cá, hải sản có độc tố TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai cho biết, khi bạn nghi ngờ người thân bị ngộ độc hải sản, bạn cần xử lý các bước sơ cứu như sau: 

Nếu nạn nhân co giật, hôn mê:  Đặt nạn nhân nằm nghiêng sang một bên, tránh để ngã, va đập.

Thở yếu hoặc ngừng thở, tím tái: hô hấp nhân tạo theo điều kiện có tại chỗ.

Nôn, tiêu chảy mất nước: nếu nạn nhân tỉnh táo, nói và ho khạc tốt, vẫn tự uống được, cho uống Oresol thay nước theo nhu cầu (khi khát) hoặc uống nước canh rau, nước quả, nước khoáng.

Gọi cấp cứu hoặc nhân viên y tế, nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất,

Lời khuyên: Khi không biết chắc loài hải sản có độc hay không thì bạn nên cân nhắc và tốt nhất không nên ăn. 

Đánh giá:  
 Chưa có bình chọn nào

Ẩm thực

Nổi bật