Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), cuối tháng 7 khi dịch COVID-19 bùng phát tại TP.HCM rồi lan nhanh xuống các tỉnh miền Tây thì các doanh nghiệp chế biến cá tra Việt Nam hứng chịu ảnh hưởng đầu tiên trong chuỗi thủy sản.
Ở thời điểm đó, nhiều nhà máy không thể ứng phó kịp đã phải đóng cửa hoàn toàn. chỉ có khoảng 30% nhà máy chế biến thủy sản tại ĐBSCL duy trì sản xuất cầm chừng đảm bảo được “3 tại chỗ”. Khoảng 70% số nhà máy không đủ điều kiện đã phải ngừng sản xuất.
Dẫn đến tình trạng giá trị xuất khẩu cá tra tháng 8 lao dốc giảm 30% so với tháng trước và giảm 28,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Xuất khẩu sang Trung Quốc và Nhật Bản đều giảm mạnh 36%, sang EU giảm 32% (riêng sang Hà Lan giảm gần 50%, Đức giảm 42%). Xuất khẩu sang Mỹ và Nga giảm ít nhất là 16%.
Điều đáng chú ý là việc xuất khẩu cá tra giảm không phải do thị trường tiêu thụ giảm, mà do các doanh nghiệp chế biến cá tra tại khu vực ĐBSCL giảm công suất sản xuất bởi những ảnh hưởng của việc giãn cách xã hội.
Nguyên nhân của việc xuất khẩu cá tra bị giảm mạnh là do chuỗi cung ứng đứt gãy, doanh nghiệp thiếu lao động, không huy động được nguồn nguyên liệu để sản xuất, trong khi, chi phí sản xuất tăng mạnh. Riêng tại thị trường Trung Quốc, chính sách hạn chế nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc với yêu cầu kiểm dịch hàng hóa với SAR-CoV-2 cũng gây ảnh hưởng.
Hiện nay, nhu cầu nhập khẩu cá tra, cá thịt trắng của Mexico và Brazil tương đối tốt. Do đó, các doanh nghiệp cá tra cần sớm ổn định sản xuất, công suất và đáp ứng tốt hơn các đơn hàng.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu sang Brazil và Mexico vẫn đang gặp nhiều khó khăn do giãn cách xã hội, chống dịch và giảm tối đa công suất, thiếu lao động.
So với tháng 7/2021, số doanh nghiệp tham gia xuất khẩu thuỷ sản trong tháng 8 giảm đi hơn 100 đơn vị. So với cùng kỳ năm 2020, số doanh nghiệp tham gia xuất khẩu ít hơn 150 đơn vị.
Sau một thời gian giãn cách đã đủ dài, nhiều doanh nghiệp cho biết là đã đến mức báo động nếu không thể phục hồi sản xuất sớm trước 15/9.