Nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh nghiệp giảm công suất sản xuất hoặc phải dừng hoạt động do không đủ điều kiện, kinh phí thực hiện sản xuất 3 tại chỗ, dẫn đến tình trạng cá tra quá lứa không tiêu thụ được.
Hiện giá cá tra chuẩn size mới bán được giá 21.000 – 22.000 đồng/kg, giá cá quá lứa có thể giảm 2.000 – 3.000/kg, thậm chí giảm sâu hơn.
Ước tính hiện giá cá tra khó giữ ở mức 22.000 đồng/kg, sẽ giảm xuống thấp trong thời gian tới.
Một người nuôi cá tra tại TP Cần Thơ cho biết doanh nghiệp ký hợp đồng, hứa thu mua và trả tiền mặt nhưng đến ngày TP áp dụng 3 tại chỗ, công ty đó không đáp ứng 3 tại chỗ, phải đóng cửa. Cá đến lịch thu hoạch cũng không thể bắt.
Hiện mỗi ngày người dân phải tốn chục triệu tiền cho cá ăn dù đã giảm lượng thức ăn xuống mức thấp nhất.
Thị trường cá tra nguyên liệu gần như ở trạng thái đóng băng do tần suất giao dịch giảm dần chỉ còn ở mức rất hạn chế. Giá cá tra chững lại do vấn đề lưu thông giữa các tỉnh khó khăn, hoạt động bắt cá bị hạn chế, các doanh nghiệp 3 tại chỗ…
Bên cạnh đó, với mức giá 21.000 – 22.000 đồng, người nông dân chỉ hòa vốn nhưng hiện nay nhà máy không thu mua, cá nằm chờ dưới ao, người dân phải trả thêm chi phí thức ăn, lao động chăm sóc.
Xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc đang gặp nhiều rào cản nên không thể kỳ vọng ở thị trường này trong thời điểm hiện tại.
Nhiều ý kiến cho rằng nên cấp đông cá, chờ dịch COVID-19 ổn định sẽ tiêu thụ ở nội địa hoặc chế biến sâu. Tuy nhiên, giá trị của cá quá lứa không đủ chi trả các chi phí điện, thuê kho và chưa rõ thời điểm sẽ tiêu thụ. Phương thức này cũng mang lại nhiều rủi ro cho người chăn nuôi.
Ngay từ khi một số tỉnh nới lỏng quy định 3 tại chỗ, các doanh nghiệp đã tăng cường thu mua, xoay xở mọi cách từ phile, chế biến khô cá tra nhưng sản lượng tồn đọng vẫn còn nhiều.
Thị trường cá tra cần đẩy mạnh tiêu thụ nội địa và chế biến sâu, thả nuôi vụ mới để tránh nguy cơ thiếu nguyên liệu cho năm 2022.