TP HCM: Người dân kêu khó mua mì gói, nguyên nhân do đâu?

Thời gian qua, có thời điểm mì gói ăn liền đứt hàng cục bộ trên quầy kệ một số siêu thị, cửa hàng tại TP.HCM. Vậy nguyên nhân do đâu?

Thời gian qua, tại TP.HCM, có thời điểm khó mua mì gói, trong khi đây là mặt hàng thiết yếu có thể để được lâu và khá tiện lợi trong mùa dịch. Một số nhóm thiện nguyện có nhu cầu mua mì gói với số lượng nhiều từ vài chục đến hơn trăm thùng để trao tặng cũng cho biết phải báo trước số lượng để cửa hàng chuẩn bị.

Đại diện hệ thống Bách Hóa Xanh thừa nhận hiện các sản phẩm ăn liền như mì gói, bún, phở… đang được người tiêu dùng mua rất nhiều. Trong khi đó, các sản phẩm này ở một số điểm bán đều rơi vào tình trạng hết hàng cục bộ do không có nguồn cung hoặc vừa nhập về thì khách hàng đã mua hết ngay.

Nhiều loại mì ăn liền không có trong siêu thị. 

Trên website của siêu thị này cũng thể hiện rõ ở khu vực TP.HCM, nguồn hàng mì ăn liền trở nên ít sự lựa chọn hơn và có sự phân phối không đều ở các khu vực. Ví dụ, một số điểm ở các quận 1, 3, Gò Vấp, các loại mì như 3 Miền, Gấu Đỏ, Hảo Hảo; bún, phở… được thông báo hết hàng và sẽ bán lại sau dịch COVID-19. Một số khu vực khác tạm ngưng bán online do hết nhân viên giao hàng.

Tại cửa hàng VinMart Phạm Huy Thông (Q.Gò Vấp), khi khách hàng muốn mua các loại phở, mì đóng hộp hoặc kèm tô, nhân viên siêu thị cho hay, sản phẩm đã hết từ vài tuần trước nhưng đến nay cũng chưa có hàng.

Mì ăn liền bị thiếu hành lá

Uniben là đơn vị sản xuất thương hiệu 3 Miền, Reeva, Boncha và Joco cho biết, hãng đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc cung ứng đủ hàng hóa cho các nhà phân phối, điểm bán tại TP.HCM.

"Đặc biệt, khâu sản xuất gặp nhiều khó khăn do thiếu hụt nguồn nguyên liệu đầu vào khiến sản lượng giảm", đại diện Uniben cho hay.

Lý giải việc thiếu hụt nguồn nguyên liệu là do khâu giao nhận, vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn. Chẳng hạn, việc xét duyệt đăng ký QR code cho xe tải rất khó khăn và mất nhiều thời gian, lái xe phải thường xuyên xét nghiệm, nhưng lại chưa thống nhất được quy định ở các chốt.

Một số nhà máy sản xuất mì ăn liền đã phải giảm sản lượng chỉ vì thiếu hành lá trong thành phần gói gia vị.

"Ví dụ, có chốt đồng ý PCR, có chốt không, có chốt đồng ý test nhanh, có chốt lại không chấp thuận gây ra khó khăn cho lái xe khi không biết phải chọn xét nghiệm gì", đại diện doanh nghiệp này cho biết.

Kể câu chuyện một số nhà máy sản xuất mì ăn liền lớn tại TP HCM trong thời gian qua rất khốn đốn vì thiếu hành lá cho thành phần hành khô trong gói gia vị, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP HCM, cho biết đã cùng các doanh nghiệp thành viên làm việc với Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP để tìm hướng giải quyết.

Mì, phở khô được nhiều người lựa chọn trong mùa dịch. 

Theo bà Chi, nghịch lý đang xảy ra trong nhiều ngày nay là việc thu mua, vận chuyển hàng hoá nông sản từ các vùng nguyên liệu ở miền Tây, miền Đông Nam Bộ về TP HCM bị ách tắc vì dịch Covid-19. Đặc biệt, kênh thu mua, phân phối truyền thống gần như đứt gãy hoàn toàn đã gây khó khăn cho người dân lẫn doanh nghiệp lương thực thực phẩm trong việc tiếp nhận, tiêu thụ nguồn nông sản thực phẩm phục vụ tiêu dùng và sản xuất hằng ngày.

Cần nhiều giải pháp tháo gỡ kịp thời để ngăn đứt gãy chuỗi sản xuất, kinh doanh nhiều ngành.

"Một số doanh nghiệp sản xuất mì ăn liền đã phải thu hẹp sản xuất chỉ vì thiếu hành lá. Trong thành phần công bố có phụ liệu này, nếu tự ý bỏ qua bất kỳ thành phần nào, đến khi cơ quan quản lý phát hiện sẽ bị xử phạt" - bà Chi giải thích lý do doanh nghiệp buộc phải giảm hoặc dừng sản xuất trong trường hợp thiếu nguyên phụ liệu.

Cách giải quyết nhanh chóng nhất được để xuất thời điểm này

- Đề xuất cho phép doanh nghiệp có thể tìm các loại gia vị, hương liệu, phụ gia khác thay thế hoặc điều chỉnh tăng giảm hàm lượng phù hợp mà vẫn đảm bảo không ảnh hưởng đến chất lượng, tính an toàn và đặc trưng cơ bản của sản phẩm.

- Tạo điều kiện để lao động của doanh nghiệp làm việc tại nhà máy được tiêm vaccine phòng Covid-19 trong thời gian sớm nhất, giúp yên tâm tăng ca sản xuất, cung cấp nhu yếu phẩm đến người dân kịp thời.

- Kết nối với các tỉnh, thành, căn cứ nhu cầu với tiêu thụ nông sản để tiếp nhận thông tin, đảm bảo lưu thông thuận lợi.

 

(Nguồn video: Kênh VTC14) 

Đánh giá:  
5.0 / 5  (1 bình chọn)

Ẩm thực

Nổi bật