Anh Hồ Hoàng Minh Trí, là sinh viên sinh sống ở thành phố Hồ Chí Minh cho biết anh thuê 1 căn phòng rộng 25m2 tính cả nhà vệ sinh. Đây là dạng chung cư mini ở tầng 1, anh Trí ở với một bạn nữa cùng trường. Dù là con trai nhưng anh vẫn cố gắng giữ mọi thứ sạch sẽ, gọn gàng và thơm tho. Điều này quan trọng vì nhiều bạn quan niệm rằng trọ chỉ là nơi để về ngủ nên không chăm sóc cho nó nên sẽ không nhận được lợi ích từ việc ở một nơi sạch sẽ và gọn gàng.
Tuy nhiên, theo anh Trí, dù chỉ ở trọ nhưng nhà cửa vẫn rất cần phải gọn gàng. Anh chọn phòng trọ có cửa sổ, thoáng khí, tốt nhất là nhìn thấy bên ngoài là buổi sáng hay buổi chiều. Ngoài ra, trước khi thuê anh đã đến thăm hỏi hàng xóm xung quanh về an ninh khu vực và người chủ trọ.
Anh cũng để ý đến các đường nước, đường điện sẵn có trong nhà trọ nếu có nhu cầu lắp máy lạnh, máy giặt. Anh có tiêu chí tối giản, tối giản và tối giản. Tránh mua những đồ cồng kềnh, ít sử dụng chỉ vì sở thích cá nhân, nên mua những đồ thực sự cần thiết, kiểu một tuần bạn sẽ dùng 3 đến 4 lần thì hãy mua, không cần tích trữ quá nhiêu đồ đạc làm gì.
Bạn cùng phòng cực kì quan trọng đối với cuộc sống ở trọ. Anh Trí cho biết đừng tùy tiện ở ghép vô tội vạ, chí ít cũng ở với bạn cùng trường nếu đang học đại học hoặc bạn cùng quê. Bạn nên dùng máy xông tinh dầu, khử mùi khi nấu ăn cũng như tạo mùi hương dễ chịu cho căn phòng.
Ngoài ra, để phòng thoáng mát hơn, bạn cũng nên trồng một ít cây xanh. Bạn có thể trồng trầu bà, ngọc ngân thủy sinh là những cây dễ sống, không mất nhiều công chăm sóc.
Các bạn sinh viên thường ngại nấu nướng, tuy nhiên việc mua đồ về tự nấu nướng sẽ giúp bạn tiết kiệm hơn rất nhiều. Với khu vực bếp, bạn có thể dùng bếp hồng ngoại đơn, xoong nồi cũng đơn giản chỉ có 1 cái nồi, 1 chảo nhỏ, 1 chảo lớn và tô chén. Thực đơn nấu cơm hàng ngày có thể đơn giản nhưng cơm tự nấu sẽ ngon và đầy đủ chất hơn. Tuy nhiên, bạn nên nấu vừa đủ ăn trong ngày, nếu không qua ngày hôm sau món đó trở nên kém hấp dẫn. Bạn nên mua đồ ăn đủ ăn cho một ngày nếu bạn không thường xuyên nấu nướng ở nhà.
Khi đi chợ hoặc đi siêu thị nên xác định sẽ mua gì và ghi ra giấy, tránh tình trạng thấy gì cũng mua và dẫn đến tình trạng cháy túi. Nên có kế hoạch chi tiêu hợp lý và chi tiết: một ngày chi bao nhiêu tiền, các khoản cố định, các khoản phát sinh, khoản cho đi chơi bao nhiêu... và tất cả các nhu cầu của bạn gói gọn trong số tiền bạn được phép chi tiêu. Làm như vậy sẽ giúp bạn không bị tình trạng đầu voi đuôi chuột, đầu tháng ăn sang cuối tháng ăn mì. Nếu có thể nên đi làm thêm để chi tiêu được thoải mái hơn, cũng là để học được nhiều thứ từ môi trường công việc. Bạn cũng nên tập cân đối chi tiêu hợp lý, ví dụ hôm nay ăn thịt nướng thì mai và vài ngày nữa nên ăn đậu khuôn để bù lại phần bị lạm chi.