Cụ thể, tại Đồng Nai là 74.000 đồng/kg; Gia Lai 75.000 đồng/kg; Đắk Nông, Đắk Lắk 77.000 đồng/kg; Bình Phước 77.500 đồng/kg và Bà Rịa - Vũng Tàu là 78.500 đồng/kg.
Trên thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, tính đến 0h15 ngày 11/8, giá tiêu giao ngay tại sàn Kochi - Ấn Độ ở mức 41.366,65 Rupee/tạ (cao nhất), 41.300 Rupee/tạ (thấp nhất), giảm nhẹ so với phiên trước đó.
Tỷ giá tính chéo của Đồng Việt Nam so với Rupee Ấn Độ được Ngân hàng Nhà nước áp dụng tính thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu có hiệu lực kể từ ngày 5-11/8/2021 là 312,13 VND/INR.
Thị trường trong nước tiếp tục có những diễn biến sôi động khi bắt đầu tuần mới. Các công ty xuất khẩu, đại lý tích cực gom hàng đẩy giá tiêu liên tục tăng trong 1 tuần gần đây.
Một số địa phương ở Tây Nguyên nới lỏng giãn cách xã hội giúp hoạt động giao thương được thuận lợi và dễ dàng hơn. Sau khoảng thời gian bình lặng trong tháng 7, lượng tiêu dự trữ giảm dần buộc các công ty phải tăng mua.
Tuy vậy, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (Gia Lai) Thái Như Hiệp cho biết, hoạt động xuất khẩu hàng nông sản của Gia Lai gặp khó ngay từ đầu tháng 7, khi mà dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Lượng hàng xuất khẩu của đơn vị chủ yếu thông qua các cảng lớn ở phía Nam như Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM, trong khi dịch bệnh xảy ra đã làm cho các hãng tàu và container vốn đã khó gặp nhau, giờ càng khó hơn.
Bên cạnh đó, nhân viên giao nhận, làm chứng từ và đội ngũ lái xe cũng gặp khó khi đi từ vùng dịch về, buộc phải cách ly.
Cũng theo ông Hiệp, Công ty đang tồn khoảng 20 ngàn tấn sản phẩm gồm cà phê và hồ tiêu chưa xuất khẩu được. Nguyên nhân do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên nhiều nước phải thực hiện các biện pháp chống dịch.
Ngoài ra, còn do thiếu tàu, container, xe vận chuyển, nhân công… Hiện các khu công nghiệp lớn có chi nhánh của Công ty như Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM gần như bị tê liệt do dịch bệnh.
Tình trạng của Vĩnh Hiệp cũng là tình cảnh chung của các đơn vị xuất khẩu hồ tiêu hiện nay. Buộc tăng mua để gom hàng nhưng xuất khẩu liên tục bị ách tác.
Dù các cấp, các ngành, các doanh nghiệp đã có nhiều kiến nghị, giải pháp nhưng tương lai của hồ tiêu xuất khẩu vẫn rất khó do COVID-19. Các đơn vị xuất hàng ngày càng nóng ruột, bởi càng lâu độ rủi ro càng tăng, dẫn đến chi phí càng nhiều, nguy cơ lỗ càng nặng hơn.
Theo Phụ nữ mới