Giai đoạn cuối tháng 11 đầu tháng 12 là bước vào mùa vụ chính cam Vinh. Tuy nhiên, năm nay những vườn cam sai quả ở thủ phủ cam Vinh thuộc xã Minh Hợp, Nghệ An vẫn thưa thớt mối lái đến thu mua cam.
Theo đó, cam thì chín rụng đầy gốc, nhưng không thấy bóng dáng thương lái, người nông dân chỉ biết khóc ròng.
Đáng chú ý, giá cam Vinh đang xuống tận đáy dao động chỉ từ 3.000 - 5.000 đồng/kg, nhưng vẫn không bán được. Giá cam những năm trước từ 40.000 - 50.000 đồng/kg, đỉnh điểm lên đến 70.000 đồng/kg.
Chủ một vườn cam cho biết, 6-7 năm trước, vườn cam cho gia đình khoảng 700 triệu đồng mỗi năm, còn giờ thì có khi chịu lỗ. Giá xuống thấp nhưng cũng khó bán, chỉ biết nhìn cam rơi tự do.
Nhiều chuyên gia trong ngành nông nghiệp cho biết, việc cam Vinh mất giả do nhiều yếu tố. Bao gồm ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, cam chất lượng thấp, mẫu mã xấu, cây bị sâu bệnh nhiều gây hại…
Chủ tịch UBND xã Minh Hợp cho biết, đến năm 2018, diện tích cam trong xã đã tăng lên hơn 1.700ha, gần gấp đôi so với 5 năm trước đó. Diện tích tăng quá nhanh trong khi chất lượng cam lại dần đi xuống.
Cụ thể, nhiều vườn cam sâu bệnh, thoái hóa, người trồng phải chặt bỏ, cây còi cọc, quả rụng non hàng loạt… giá cam cũng vì thế mà giảm xuống thấp.
Thậm chí, tại nhiều doanh nghiệp, diện tích trồng cam cũng giảm mạnh, do tình trạng cam nhiễm nấm Phytophthora buộc phải chặt bỏ cây. Số diện tích còn lại cũng cho cam không còn chất lượng như trước.
Từ những nguyên nhân trên, nhiều vườn cam đã phải dừng việc trồng mới cây cam, thậm chí chuyển từ trồng cam sang luân canh trồng mía, ngô, ổi, lạc, đậu… để cải tạo lại đất.
Theo nhiều chuyên gia, nông dân trồng ồ ạt cam nhưng lại không chú trọng về nguồn giống cây, mua giống trôi nổi, hoặc xin mắt ghép để tự ghép rồi trồng nên nhiều vườn cam bị thoái hóa nhanh chóng.
Chưa kể các nguyên nhân khác như sâu bệnh, quy trình chăm sóc không được chú trọng…Cây cam là cây khó tính, cần phải được đầu tư kỹ lưỡng thì chất lượng nhận lại mới đạt chuẩn.