Trước đây, xã miền núi huyện Nam Đông được trồng cao su, keo tràm và một số loại cây ăn quả ngắn ngày thì giờ đây, người dân địa phương đã thay đổi phương thức sản xuất, chuyển sang trồng cam - loại cây ăn quả đặc sản có giá trị kinh tế cao.
Mạnh dạn đổi mới trong sản xuất đã giúp bà con nông dân tại huyện miền núi Nam Đông, nâng cao sản lượng thu hoạch cam, tuy nhiên năm nay do dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến việc tiêu thụ cam gặp nhiều khó khăn.
Hiện các chủ các vườn cam vẫn đang loay hoay tìm giải pháp mở rộng thị trường, đầu ra cho cam khi mà mùa thu hoạch đã tới.
Ông Nguyễn Sinh, xã Hương Xuân, huyện Nam Đông hiện có khoảng 1,5ha trồng cam cho thu hoạch trung bình từ 30-40 tấn/năm. Nhờ phương thức trồng cam mới, vườn cam có năng suất cao và mỗi vụ đều được các thương lái đến thu mua hết.
Tuy nhiên năm nay, dịch bệnh đã khiến cho việc vận chuyển, đi lại khó khăn dẫn đến khi bắt đầu vào mùa thu hoạch, lượng cam trong vườn vẫn còn hơn một nửa chưa tìm được đầu ra.
"Sản lượng cam của gia đình năm nay đạt hơn 35 tấn, trái cam mọng nước, ngon và ngọt tuy nhiên đến thời điểm này chúng tôi mới bán được hơn 12 tấn”…ông Sinh nói.
Bên cạnh đó, những ngày qua thời tiết có mưa lớn, không thuận lợi cho việc thu hoạch nên việc kết nối tiêu thụ cam bị ảnh hưởng nhiều hơn, vận chuyển sang các tỉnh bạn cũng gặp nhiều khó khăn hơn.
Trước thực trạng đó, Bưu điện tỉnh Thừa Thiên Huế đang triển khai nhiều chương trình với mục tiêu kết nối tiêu thụ 100 tấn cam Nam Đông.
Với mong muốn hỗ trợ bà con nông dân trồng cam Nam Đông tiêu thụ, vượt qua khó khăn trong mùa dịch để ổn định cuộc sống, sản xuất và kinh doanh.
Bưu điện tỉnh Thừa Thiên Huế đã có những hoạt động nhằm kết nối đưa đặc sản cam đến tay người tiêu dùng không chỉ trong nội tỉnh mà hướng đến việc giới thiệu ra các tỉnh bạn thông qua hệ thống các điểm bán hàng trải dài từ Bắc vào Nam của Bưu điện Việt Nam.