Trước đây, rau cần được các gia đình ở xã Khai Thái trồng với diện tích nhỏ để sử dụng. Nhận thấy rau hợp thổ nhưỡng, phát triển tốt và cho thu nhập cao so với các loại cây trồng khác nên nhiều hộ dân đã mở rộng thành vùng sản xuất tập trung.
Đến nay, hợp tác xã (HTX) Rau cần Khai Thái ở xã Khai Thái (huyện Phú Xuyên) là một điển hình từ mô hình liên kết nông dân trong sản xuất.
Hướng tới xây dựng thương hiệu "Rau cần Khai Thái", các hộ nông dân đã liên kết thành lập HTX Rau cần Khai Thái. Đến nay, mô hình này thu hút 23 hội viên tham gia sản xuất rau an toàn với gần 5.000m2. Trồng rau cần an toàn cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng lúa 2 vụ/năm".
Chia sẻ với báo chí, chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Xuyên Phạm Văn Hùng chia sẻ, từ đầu năm 2021 đến nay, các cấp Hội ND huyện đã tổ chức phát động, hướng dẫn nông dân đăng ký xây dựng 27 mô hình kinh tế tập thể mới, 48 mô hình kinh tế hộ, 13 mô hình nông dân dạy nông dân, 54 tổ hội nghề nghiệp…
Ngoài ra, theo ông Hùng, xác định rau cần là cây trồng chủ lực, giúp nông dân làm giàu nên xã Khai Thái vận động người dân trồng rau theo quy trình an toàn. Xã và huyện đã hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu “Rau cần Khai Thái”, xây dựng sản phẩm OCOP; huyện hỗ trợ các hộ trồng rau cần xây dựng 160 lều và bể nước để sơ chế rau tại ruộng; kè và rải đá cấp phối hệ thống kênh mương, hệ thống giao thông khu vực trồng rau, giúp các hộ chủ động trong thu hoạch và sơ chế rau.
Rau cần ưa khí hậu mát và lạnh nên thường được trồng vào cuối mùa thu, mùa đông và mùa xuân. Hiện nay, mỗi ngày xã Khai Thái cung cấp cho thị trường 5-7 tấn rau với giá 8.000 đồng/kg. Mỗi sào rau cần thu được khoảng 1,4 tấn/lứa/30 ngày, mỗi năm thu 7 lứa, đạt khoảng 100 triệu đồng/sào/năm.
Trước đó, đầu năm 2020, rau cần của xã Khai Thái (huyện Phú Xuyên) đã được thành phố Hà Nội công nhận 4 sao trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của thành phố. Kết quả đó đã mở ra hướng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, bền vững, hiệu quả cao cho người dân địa phương.