Giá hạt tiêu trong nước hôm nay 13/9
Cập nhật bảng giá hạt tiêu hôm nay 13/9 cho thấy, giá tiêu duy trì ở mức ổn định, không có sự biến động so với hôm qua.
Cụ thể, giá tiêu ngày hôm nay 13/9 ở Đồng Nai giữ mức thấp nhất thị trường với 76.000 đồng/kg.
Trong khi đó, giá tiêu tại tỉnh Gia Lai là 77.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk, các thương lái thu mua hạt tiêu với giá 78.000 đồng/kg.
Giá hạt tiêu hôm nay ở Bình Phước là 79.000 đồng/kg.
Trong khi đó, Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn có giá hạt tiêu ở ngưỡng cao nhất với 80.000 đồng/kg.
Thông tin thị trường hạt tiêu
Trong tuần qua, giá tiêu trong nước tăng 3.500 đồng/kg tại các địa phương.
Theo đó, giá tiêu cao nhất 80.000 đồng/kg được ghi nhận tại Bà Rịa - Vũng Tàu và một số đại lý khu vực Tây Nguyên. Trong khi đó, giá tiêu đen và tiêu trắng xuất khẩu của Việt Nam tăng 90 USD/tấn trong tuần này.
Trước đó, khu vực Tây Nguyên hạn hán đã ảnh hưởng lớn tới sản lượng hạt tiêu. Tuy nhiên, những ngày này khi “tàn dư” của cơn bão số 5 đi qua sẽ giúp cho các tỉnh thành này đón một lượng mưa lớn, giúp hồ tiêu phát triển và cho sản lượng tốt.
Trong bài viết mới nhất trên Peppertrade, chuyên gia Jojan Malayil thuộc unispicevn.com (Ấn Độ) nhận định, với khoảng 200.000 tấn hồ tiêu xuất khẩu trong 8 tháng đầu năm 2021 cùng 25.000 tấn nhập khẩu, thị trường hồ tiêu Việt Nam đã trải qua tháng 8 ảm đạm, đồng loạt giảm giá. Tuy nhiên, thị trường sản xuất hạt tiêu lớn nhất thế giới này sẽ thiết lập mức giá tiêu nội địa cao mới trong những ngày tới.
Theo ông Jojan Malayil, với sản lượng vụ mùa thấp hơn năm trước cùng lượng hàng tồn kho ít ỏi, nhiều nhà nhập khẩu đã trì hoãn việc giao hàng trong quý II và quý III, một số nơi đang sử dụng phương thức mua trao tay.
Trong khi đó, thị trường đang có những tin đồn về việc Brazil cấm xuất khẩu hạt tiêu sang Liên minh châu Âu (EU). Như vậy, toàn thế giới chỉ có hai nguồn xuất tiêu chính là Việt Nam và Indonesia.
Theo chuyên gia người Ấn Độ, trong những ngày tới, giá tiêu sẽ tiếp tục tăng cao do tình trạng khan hiếm hàng và lượng tiêu tồn kho cạn kiệt. Các doanh nghiệp không có hàng để giao cho những đơn hàng mới do tình trạng giãn cách xã hội bởi đại dịch Covid-19.