Là một đầu bếp người Việt nhưng làm việc và sinh sống tại Nhật Bản, chị Nguyễn Nhi chia sẻ chị đã dùng đủ loại dao từ dao Nhật, Đức hoặc các đầu bếp nổi tiếng bán ra thị trường cho đến bộ dao của IKEA, chị đã đúc rút kinh nghiệm rằng, nấu ăn ngon không nhất thiết phải mua dao thật xịn, dao nào cũng được miễn mài bén thì dùng được, mua dao xịn nhưng không biết dùng và bảo quản thì rất phí vì chúng không hề rẻ đâu.
Sau khi đã dùng nhiều loại dao, chị đúc rút một số kinh nghiệm. Với hãng dao Global (Yoshikin factory of Japan), hãng dao này thì chắc mọi người ai cũng biết vì độ nổi tiếng của nó, hầu hết đầu bếp ai cũng đã dùng qua và có rất nhiều người thích, nhưng chị Nhi thì không. Chị Nhi cho biết cán dao của hãng này rất cứng và luôn làm chị đau tay khi phải sử dụng lâu.
Zwilling J. A. Henckels là hãng dao cao cấp nổi tiếng của Đức, hợp tác với Nhật để tạo ra dòng Miyabi nên phải nói là bề ngoài siêu đẹp, rất hào nhoáng và rất bén nên giá thành khá cao, đa số các đầu bếp ai cũng phải sắm cho mình ít nhất một con. Mặc dù đẹp và bén nhưng chị Nhi cho rằng cán dao vẫn còn khá nặng, nên chị cũng khá ít dùng.
Hãng dao Eden của Nhật Bản được nhiều người so sánh với Miyabi hay nhiều loại khác. Chị Nhi đã dùng thử loại này và thấy rằng chúng rất đẹp, một nét đẹp mộc mạc. Chị thích dao cán gỗ và phải nhẹ, Eden đáp ứng được điều này, chị có cảm giác cầm con dao mà cảm giác như không cầm gì thì sướng lắm, dao lại siêu bén và giá thành rất ổn, không quá mắc.
Tuy nhiên loại dao này rất kén người sử dụng, lưỡi dao rất bén và mảnh nên khi dùng phải cẩn thận tránh làm mẻ dao, mỗi lần dùng xong là phải rửa và lau khô ngay lập tức không dễ bị gỉ sét lắm, dao mòn rồi mà không biết cách mài dao thì cũng chịu vì đối với các loại này phải dùng đá mài và phải biết kỹ thuật mài chứ không mài lung tung.
Ngoài những loại trên thì còn có những hiệu dao cực nổi tiếng và cực tốt như Yoshihiro, Yoshida Hamono, Kai, Shun, Tojiro hay Wusthof, Dalstrong, Robert Welch, Le Creuset, Victorinox, Sabatier.