Trong 8 tháng đầu năm 2020, nhập khẩu điều từ Campuchia về Việt Nam đạt gần 1,1 triệu tấn, tăng hơn 5 lần về lượng, tăng 7 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2020. Việc tăng mạnh trong thời gian ngắn cho thấy sự bất thường trong quá trình nhập khẩu.
Trước đó, Bộ trưởng Nông nghiệp Campuchia Veng Sakhon cho biết, 99% lượng điều xuất khẩu khoảng 870.000 tấn được xuất sang Việt Nam. Số lượng xuất khẩu điều của Campuchia năm 2021 tăng do diện tích canh tác trồng điều tăng và cùng với lượng hàng dự trữ từ năm 2020.
Xuất khẩu điều chiếm hơn một nửa tổng sản lượng xuất khẩu hàng hóa từ Campuchia sang Việt Nam.
Trước thông tin nhập khẩu điều từ Campuchia tăng đột biến, Tổng cục Hải quan đã yêu cầu 8 tỉnh, thành phía Nam kiểm tra, làm rõ xuất xứ điều thô nhập khẩu từ nước này để ngăn chặn hành vi gian lận để hưởng thuế suất ưu đãi.
Về mánh khóe gian lận này, các chuyên gia cho rằng có hai hành vi chủ yếu. Theo đó, các đối tượng thành lập doanh nghiệp sau đó kinh doanh đúng quy định tạo niềm tin, vỏ bọc sau đo sẽ nhập số lượng hàng hóa lớn rồi bán trong nội địa để trốn thuế và chủ doanh nghiệp sẽ bỏ trốn.
Chiêu thức thứ hai là thành lập nhiều doanh nghiệp ma để gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong quá trình điều tra, xử lý. Như vậy, có thể đặt nghi vấn các doanh nghiệp mượn đường Campuchia để trốn thuế nhập khẩu của mặt hàng này.
Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan) tiến hành kiểm tra theo dấu hiệu vi phạm tại tỉnh Bình Phước, "thủ phủ" về trồng, xuất nhập khẩu điều của Việt Nam.
Trong đó, kiểm tra 18/20 doanh nghiệp đã có dấu hiệu vi phạm, 2 doanh nghiệp chưa kiểm tra do cách ly COVID-19.
Cục đưa ra kết luận có 2 doanh nghiệp có hành vi gian lận về xuất xứ hạt điều thuần túy Việt Nam. Điều thuần túy tức là 100% nguồn điều thô nguyên liệu có xuất xứ từ thị trường trong nước.
Tuy nhiên, khi kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện doanh nghiệp cung cấp hồ sơ giấy tờ cho cơ quan chức năng cấp C/O không đúng với thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.
Ngoài ra, có 4 doanh nghiệp thuộc loại hình sản xuất xuất khẩu có nghi vấn bán tiêu thụ nội địa. Tuy nhiên, khi cơ quan Hải quan tiến hành kiểm tra, doanh nghiệp không có trụ sở, không còn hoạt động sản xuất tại địa điểm đăng ký kinh doanh.