Trả lời trên báo chí, TS. BS. Đặng Quốc Ái (Khoa Ngoại tổng hợp - BV E Trung ương) cho biết, hàng năm đến mùa hồng, tại bệnh viện đều ghi nhận nhiều ca bị tắc ruột do ăn hồng. Có nhiều trường hợp tắc ruột điều trị không đỡ phải mổ để lấy khối bã thức ăn.
Lý giải việc ăn hồng ngâm dễ bị tắc ruột, TS. Ái cho biết: Trong quả hồng có chất tanin gây vị chát và chất pectin, hai chất này có nhiều ở vỏ hồng. Tanin và pectin là những chất làm săn niêm mạc ruột, ảnh hưởng nhu động ruột.
Nếu ăn quá nhiều, nhất là vào lúc đói, các chất này cùng với hàm lượng chất xơ có trong quả hồng dưới tác dụng của axit dạ dày sẽ vón lại thành từng khối, nếu các khối bã thức ăn này không được đẩy ra ngoài theo đường bài tiết tự nhiên, chúng sẽ gây tắc nghẽn đường tiêu hóa.
Thông thường thực phẩm sẽ được nghiền nhỏ ở dạ dày rồi mới được đưa xuống ruột non, tuy nhiên ở những người đã cắt dạ dày hoặc cắt một phần dạ dày (nơi tiết nhiều axit), không tiêu hóa được xenlulo và các chất khác, miệng nối giữa ruột non và dạ dày lớn do vậy thực phẩm ăn vào rơi luôn xuống ruột, vón cục lại thành từng mảng lớn đi đến đâu gây tắc đến đó.
Dấu hiệu của việc bị tắc ruột đó là:
- Đau quặn bụng từng cơn;
- Buồn nôn, nôn mửa;
- Bí trung đại tiện.
TS. Ái khuyến cáo người có tổn thương đường tiêu hóa, đã cắt một phần hoặc bán phần dạ dày, người cao tuổi, răng yếu, nhai không kỹ, nhu động ruột và tuyến nước bọt giảm thì không ăn hồng hoặc các loại thực phẩm giàu xenlulo già như măng, rau già…
Trẻ nhỏ ăn quả hồng cũng dễ bị táo bón, tắc ruột, nếu không được cấp cứu kịp thời, để lâu có thể gây thủng ruột.
Khi đói bụng không nên ăn hồng bởi chất tanin trong quả hồng kết hợp với axit dạ dày dễ dẫn đến kết tủa. Hồng giòn có vị ngọt nhưng vẫn chứa một lượng ít tanin trong đó. Mọi người nên ăn hồng sau bữa ăn khoảng 1 giờ là tốt nhất.
Ngoài ra, khi uống rượu không nên ăn hồng. Hồng có tính hàn, rượu có tính nóng, 2 loại này khi vào dạ dày sẽ kích thích đường ruột bài tiết ra chất dính nhầy, sền sệt kết hợp với cellulose tạo thành cục máu đông, gây khó tiêu hóa, lâu dần sẽ gây tắc ruột.
Những người bị tắc ruột do ăn hồng
Mới đây, Khoa Ngoại tổng hợp (Bệnh viện E Trung ương) tiếp nhận một bệnh nhân nam 70 tuổi có tiền sử cắt 2/3 dạ dày với biểu hiện tắc ruột. Được biết, trước khi nhập viện vài ngày bệnh nhân có ăn quả hồng ngâm.
Người bệnh được chỉ định chụp CT ổ bụng và làm các bilan chẩn đoán, các bác sĩ phát hiện có một khối bã thức ăn trong ruột bệnh nhân. Sau 2 ngày theo dõi và điều trị không đỡ, bệnh nhân đã được mổ nội soi để đẩy bã thức ăn xuống đại tràng, từ đại tràng khối bã thức ăn được đưa ra ngoài.
Hay vào năm 2020, trường hợp bệnh nhân T.X.T (63 tuổi, trú tại Hạ Long, Quảng Ninh) vào viện trong tình trạng đau chướng vùng bụng quanh rốn, mạn sườn trái, đau thành cơn, buồn nôn và nôn ra thức ăn. Trước đó, bệnh nhân ăn một lượng lớn quả hồng trong nhiều ngày.
Hình ảnh chụp CT scanner cho thấy: Bệnh nhân bị tắc ruột non do bã thức ăn kích thước 25x43mm vùng hố chậu trái. Các bác sĩ đã hội chẩn và thống nhất chỉ định phẫu thuật cấp cứu tắc ruột cho người bệnh.
Quá trình phẫu thuật, bác sĩ đã mở đoạn ruột non lấy bã thức ăn gây tắc cách góc manh tràng khoảng 1m, thiết lập lưu thông ống tiêu hóa, lau rửa ổ bụng và đặt dẫn lưu.
Trước đó, ngày 30/11/2016, một bệnh nhân sau khi ăn hồng giòn cũng được BV E Trung ương (Hà Nội) phẫu thuật vì bị tắc ruột.
Ngày 1/11/2018, bác sĩ Hoàng Thanh Hiền, khoa Y học Dân tộc - Vật lý trị liệu, Bệnh viện (BV) Quận 11, TP.HCM cho biết, những ngày qua, nơi đây tiếp nhận một số bệnh nhân bị đau bụng, bí trung đại tiện, buồn nôn.
Năm 2019, khoa Ngoại Tiêu hóa, BV. Trung ương Huế, đã từng phẫu thuật cho 7 bệnh nhân bị tắc ruột. Một thời gian sau, các bác sĩ tại BV. E Trung ương đã phải phẫu thuật cho một bệnh nhân cũng do tắc ruột.