Đến với vùng Tây Bắc, khách miền xuôi thường được những người dân bản xứ giới thiệu một cách đầy tự hào về món nậm pịa. Đây là món ăn đậm tính hoang sơ, dân dã, hội tụ đầy đủ hương vị của núi rừng. Nậm pịa là món ăn đặc trưng của người Mộc Châu nói riêng và của tỉnh Sơn La nói chung. Món ăn này có thể dùng làm nước chấm hoặc làm món ăn như canh, có tác dụng giải rượu tốt.

Trong tiếng Thái, Nậm có nghĩa là canh, Pịa là chất sền sệt trong ruột non con bò. Món ăn truyền thống có từ lâu đời và rất được bà con dân tộc Thái yêu thích này chỉ có từ Mộc Châu đến Sơn La.
Để làm ra món nậm pịa cần có một đoạn ruột non của động vật ăn cỏ như trâu, bò, dê. Tiếp theo cần có nội tạng tim, gan, tiết, thịt vụn, sả, ớt, gừng, lá chanh, mùi tàu, hạt mắc khén. Lấy hỗn hợp trong ruột non ra đun sôi, nội tạng băm nhỏ rồi xào chín. Hỗn hợp sôi thì cho nhân đã xào vào, tiết chín thái miếng nhỏ vừa ăn, sả, ớt, gừng, lá chanh, mùi tàu băm nhỏ. Khi canh nậm pịa đã sánh lại thì cho sả, gừng, lá chanh, ớt, mùi tàu vào khuấy đều là được.

Món ăn này thường được ăn vào những dịp lễ lớn, ngày quan trọng của các gia đình và đồng bào nơi đây. Món ăn mang đậm tinh hoa ẩm thực của núi rừng Tây Bắc, nó đã trở thành niềm tự hào của bà con dân tộc Thái tại Mộc Châu. Nậm pịa có màu nâu sền sệt với vị đắng đặc trưng nhưng ai đã thử ăn một lần sẽ nhớ mãi và cảm nhận được vị ngọt của thịt hòa cùng vị đắng của pịa.