Sáng 18/9: Bắc Giang tiếp tục đón công dân từ miền Nam, Khánh Hòa hỗ trợ đưa người mù đi tiêm vắc-xin

Nhiều tỉnh thành phố đã lên kế hoạch đón công dân từ miền Nam về quê, đặc biệt chú ý các đối tượng: phụ nữ mang thai, đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi; lao động bị thất nghiệp, công dân đi công tác, thăm thân nhân... 

Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:

- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 667.650 ca mắc COVID-19, đứng thứ 47/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 156/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 6.786 ca nhiễm).

- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):

+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 663.232 ca, trong đó có 430.691 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

+ Có 14/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nam, Phú Thọ, Ninh Bình.

+ Có 04 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Thái Bình, Kon Tum, Quảng Ninh, Lào Cai.

+ 05 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP HCM (326.795), Bình Dương (173.086), Đồng Nai (38.081), Long An (29.843), Tiền Giang (12.760).

Tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19

1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:

- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 17/9 là: 9.914 nâng tổng số ca được điều trị khỏi: 433.465

 2. Số bệnh nhân tử vong:

- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 250 ca.

- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 16.637 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4 điểm phần trăm so với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,1%).

Tình hình xét nghiệm

- Trong 24 giờ qua đã thực hiện 218.322 xét nghiệm cho 795.175 lượt người.

- Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 16.178.305 mẫu cho 47.492.652 lượt người.

Tình hình tiêm chủng vaccine COVID-19

Tổng số liều vaccine COVID-19 đã được tiêm là 33.006.632 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 26.821.906 liều, tiêm mũi 2 là 6.184.726 liều.

Bắc Giang đã qua 15 ngày không phát sinh ca cộng đồng

 

Tối 17/9, theo thông tin từ UBND tỉnh Bắc Giang, trong ngày trên địa bàn không phát sinh thêm ca F0. Tính từ ngày 2/9 đến nay, tỉnh Bắc Giang không phát sinh ca F0 ngoài cộng đồng.

Thực hiện phương án đón công dân bị ảnh hưởng dịch COVID-19 trở về từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai đợt 2, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bắc Giang đã phát đi thông báo cụ thể về đối tượng, thời gian, phương tiện, chi phí để các ngành, địa phương phối hợp triển khai thực hiện. Công dân Bắc Giang từ TP Hồ Chí Minh và hai tỉnh Bình Dương, Đồng Nai được đón về quê trong đợt 1 vào ngày 5/9.

Theo đó, ngoài có nhu cầu trở về quê do ảnh hưởng của dịch COVID-19, công dân phải có kết quả xét nghiệm âm tính trong thời hạn 72 giờ tính đến thời điểm máy bay cất cánh.

Đối tượng được ưu tiên như đợt 1 gồm: Người có bệnh hiểm nghèo, ốm đau dài ngày; phụ nữ mang thai, đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi; người 70 tuổi trở lên; người khuyết tật nặng; lao động bị thất nghiệp, dừng việc dài ngày và có hoàn cảnh khó khăn; công dân đi công tác, thăm thân nhân, giải quyết công việc... cần về Bắc Giang.

Để bảo đảm thời gian dự kiến đón công dân về vào ngày 22/9 (phương tiện di chuyển bằng máy bay), Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bắc Giang đề nghị các huyện, TP căn cứ khả năng cách ly tập trung của địa phương và đăng ký về quê của công dân (qua Cổng thông tin điện tử của tỉnh và Hội đồng hương Bắc Giang tại TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai) rà soát, đề xuất số lượng và lập danh sách công dân được đón đợt này.

Tất cả công dân trở về từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đều phải thực hiện cách ly tập trung 14 ngày. Sau khi hoàn thành cách ly tập trung, tiếp tục thực hiện cách ly tại nhà 7 ngày tiếp theo. Trong đợt này, toàn bộ chi phí mua vé máy bay; phương tiện đưa, đón công dân từ nơi tạm trú/thường trú về đến nơi cách ly tập trung, chi phí liên quan trong thời gian cách ly đều do công dân tự chi trả.

Ngoài Bắc Giang, Ninh Thuận và Sóc Trăng cũng là những tỉnh đón người dân từ vùng dịch hồi hương

Hà Nội đã chuẩn bị nhiều kịch bản sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh 

 

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội thông tin cho biết, Hà Nội đã chuẩn bị nhiều kịch bản sẵn sàng đáp ứng cho tình huống dịch bệnh xấu có thể xảy ra.

Xác định dịch Covid-19 ở Hà Nội còn nhiều phức tạp, không thể lường trước. Sở Y tế Hà Nội đã tham mưu xây dựng kịch bản với 40.000 trường hợp nhiễm Covid-19, trong đó 32.000 trường hợp tầng 1- tầng nhẹ và không biến chứng; 8.000 trường hợp tầng 2, 3 là bệnh nhân trung bình, nặng, nguy kịch. Hiện sẵn sàng kích hoạt kịch bản nếu dịch bùng phát rộng.

Mục tiêu chung là tập trung điều trị, chăm sóc tốt bệnh nhân ở tầng 1, 2 để hạn chế tầng 3 - tầng bệnh nhân nặng. Tại tầng 3 hiện được phân về 4 BVĐK hạng 1 đầy đủ nhân lực, trang thiết bị để điều trị tốt bệnh nhân là các Bệnh viện Đức Giang, Thanh Nhàn, Xanh Pôn và Hà Đông.

Sở Y tế Hà Nội tối 17/9 cho biết, trong 24 giờ, Thành phố ghi nhận 12 ca mắc mới Covid-19. Đây là ngày có số ca Covid-19 thấp nhất từ khi Hà Nội giãn cách xã hội (từ 24/7), cũng là ngày thứ 3 liên tiếp Thủ đô không có ca nhiễm cộng đồng.

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4 đến nay) là 3.884 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.596 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly có 2.288 ca.

 

Khánh Hòa hỗ trợ đưa người mù đi tiêm vắc-xin phòng COVID-19

Ngày 17/9, Tỉnh đoàn Khánh Hòa cho biết vừa cử lực lượng hỗ trợ đưa 24 người khiếm thị có hoàn cảnh khó khăn tại TP. Nha Trang đi tiêm vắc-xin phòng COVID-19. Những người khiếm thị làm việc tại các cơ sở massage người mù trên địa bàn TP. Nha Trang, hiện đang mất thu nhập do ảnh hưởng của dịch.

Trong ngày 16/9, Tỉnh đoàn Khánh Hoà đã tổ chức xe đưa đón 24 người này đến điểm tiêm tại số 26 Hoàng Hoa Thám, TP. Nha Trang, cử các tình nguyện viên hỗ trợ mọi khâu về thủ tục đến lúc tiêm xong, sau đó đưa họ trở về nhà.

 

Đánh giá:  
 Chưa có bình chọn nào

Ẩm thực

Nổi bật