Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), vào năm 2019 tại Israel có 2 người ăn cá ngừ bị ngộ độc và phải nhập viện để điều trị. Ngay sau sự việc này, các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này đã gặp nhiều khó khăn và doanh số liên tục sụt giảm. Xu hướng sụt giảm này kéo dài tới tận năm 2020.
Tuy nhiên, kể từ cuối năm 2020 đến nay thì xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Israel bắt đầu có dấu hiệu phục hồi. Thậm chí, có thời điểm xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Israel tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2020. So với cùng kỳ năm 2020, xuất khẩu các nhóm sản phẩm cá ngừ của Việt Nam đều tăng so với cùng kỳ. Trong đó, thịt/philê cá ngừ đông lạnh của Việt Nam mã HS03048700 vẫn là sản phẩm xuất khẩu chủ lực sang thị trường này, với tỷ trọng chiếm 47% tổng giá trị xuất khẩu. Giá trung bình xuất khẩu các sản phẩm sang thị trường Israel trong 7 tháng đầu năm nay ở mức 5.464 USD/tấn.
Cũng theo VASEP, tính đến 15/8/2021 tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang thị trường Israel vẫn tăng 34% so với cùng kỳ năm 2020, đạt gần 25 triệu USD, chiếm 5,6% tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ.
Như vậy, Israel tiếp tục là thị trường xuất khẩu cá ngừ đơn lẻ lớn thứ 3 của Việt Nam sau Mỹ và Italy.
Cùng với đó, số liệu từ Trung tâm Thương mại Thế giới (ITC) cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2021 Việt Nam đã vượt qua Thái Lan trở thành nguồn cung cá ngừ lớn nhất cho thị Israel, chiếm gần 31% tổng giá trị nhập khẩu cá ngừ của nước này.
Điều đáng nói là trong nửa đầu năm 2021, Israel giảm nhập khẩu cá ngừ từ các nước, tuy nhiên nhập khẩu cá ngừ từ Việt Nâm vẫn duy trì tăng trưởng dương.
Với tốc độ tăng trưởng tích cực như hiện nay, cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ sang Israel là rất lớn. Tuy nhiên, trước mắt nhiều doanh nghiệp trong nước vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19. Theo đó, nhiều đơn vị đã phải cắt giảm nhân công, công suất, vừa chống dịch vừa cố gắng duy trì sản xuất.
Với những ảnh hưởng này, riêng nửa đầu tháng 8 xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Israel đang giảm 19% so với cùng kỳ năm 2020. Do vậy, để duy trì tăng trưởng xuất khẩu cá ngừ sang thị trường tiềm năng này thì các doanh nghiệp cần phải nhanh chóng ổn định sản xuất, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả để không chỉ duy trì mả từng bước hồi phục lại năng suất sản xuất, xuất khẩu.