Theo văn bản hướng dẫn thiết lập và bảo vệ “vùng xanh” mới nhất, điểm cung ứng thực phẩm thuộc khu vực trong “vùng xanh” nào thì cung ứng cho cư dân, người dân ở khu vực đó. Các điểm cung ứng nằm bên trong khu vực thuộc “vùng xanh”, hạn chế tối đa việc bố trí ở các mặt tiền đường phố giáp ranh giữa các khu vực để người dân không phải ra đường cũng như tránh việc người vãng lai ghé mua hàng làm tăng nguy cơ lây nhiễm.
Hàng tuần, chính quyền địa phương tổ chức phát thẻ, phiếu đi mua thực phẩm 1 lần cho các hộ gia đình (1 tuần/hộ gia đình sẽ có 1 thẻ, phiếu đi chợ) ghi rõ địa điểm cung ứng thực phẩm gần nhất, ngày giờ cụ thể được đi mua thực phẩm. Trong trường hợp khu vực thuộc “vùng xanh” không thể thiết lập điểm cung ứng thực phẩm hoặc điểm cung ứng nằm xa “vùng xanh”, không đảm bảo an toàn về y tế thì thực hiện mô hình đi chợ giúp, phát phiếu đi chợ cho nhóm hộ gia đình, hoặc tổ chức phân phối thực phẩm đến tận tay người dân.
Việc kiểm soát ra vào khu vực "vùng xanh" thực hiện theo nguyên tắc "giữ chặt, kiểm soát nghiêm". Cư dân trong các khu vực phải được kiểm danh, kiểm diện hàng ngày qua hình thức như: phát loa gọi tên, gọi điện thoại, Zalo... Nhân viên giao hàng, cung cấp thực phẩm, hàng hóa từ các đầu mối do Sở Công hương điều phối, khi vào “vùng xanh” phải mặc trang phục bảo hộ y tế cấp 3. Cán bộ, công nhân viên chức, lực lượng vũ trang, phóng viên có nơi cư trú trong “vùng xanh” được đi làm bình thường, khi về đến “vùng xanh” phải khai báo y tế và áp dụng các biện pháp cách ly như trường hợp F1 cách ly tại nhà; quá trình sinh hoạt, hạn chế tiếp xúc người thân trong gia đình và người xung quanh, bố trí phòng sinh hoạt riêng.
(Nguồn video: Kênh VTC Now)
Hiện Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng có văn bản khẩn yêu cầu Sở Công Thương TP khẩn trương cùng các địa phương nghiên cứu giải pháp tổ chức lại các điểm bán lương thực, thực phẩm thiết yếu tại những chợ truyền thống đang tạm ngưng hoạt động hoặc hình thành các điểm bán nhỏ cung ứng mặt hàng tươi sống. Điều này là bởi vì có nhiều quầy hàng “chui” bán đủ loại rau củ, trái cây, thịt gà, heo… phục vụ khách mua. Các quầy hàng này đều ngụy trang bằng cách mở hé cửa, bố trí người ngồi phía trước để bán hàng cho khách. Trên vỉa hè, nhiều xe máy chở theo rau trái, cá… bán “di động”, và sẵn sàng… chạy khi có lực lượng kiểm tra.
Đến nay, mới chỉ có 18 chợ mở lại. Tuy vậy, vẫn còn 197 chợ truyền thống và 3 chợ đầu mối vẫn chưa đủ điều kiện hoạt động trở lại. Một số ban quản lý chợ đã trình phương án tái mở cửa chợ hoặc bố trí địa điểm phù hợp để tổ chức bán hàng cho chính quyền địa phương nhưng chưa được chấp thuận.
Cũng liên quan đến công tác phòng chống dịch, mới đây ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh khẳng định thông tin đang lan truyền trên mạng xã hội về việc “không cho người dân di chuyển trong 7 ngày” là giả mạo. Hiện các cơ quan chức năng đang tập trung phối hợp, khẩn trương xác định và xử lý đối tượng tung tin giả mạo trên theo đúng quy định của pháp luật.
Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh khuyến cáo trong thời gian dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, trên không gian mạng xuất hiện nhiều thông tin sai lệch, xuyên tạc, xấu độc nhằm gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch của Thành phố, vì vậy người dân cần theo dõi, nắm bắt thông tin qua các kênh thông tin chính thống; không chia sẻ các thông tin chưa được xác thực.