Người dân mất nhiều thời gian để chờ đợi
Gần đây, đa số người dân trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã dần quen với việc đi chợ theo phiếu mua hàng được phát. Tuy nhiên, dù có phiếu đi chợ nhưng nhiều người dân vẫn khó mua được hàng mình cần, thậm chí phải chờ đợi ít nhất 1 giờ mới vào được siêu thị nhưng không còn gì để mua.
Chị Lê Thu Tâm, ngụ ở Phước Long B, thành phố Thủ Đức cho biết, gia đình chị được phát phiếu đi chợ trong địa bàn phường. Do phiếu của gia đình chị được quy định mua hàng từ 12 giờ trưa đến 17 giờ vào hai ngày chủ nhật và thứ năm hàng tuần nên khi tới các cửa hàng, siêu thị trong khu vực phường luôn trong tình trạng xếp hàng dài.
Theo chị Tâm, nếu ai được phát phiếu đi chợ giờ buổi sáng sẽ mua được hàng cần dùng. Đến buổi chiều, hàng hoá sẽ không còn trong khi nguồn cung không kịp bổ sung do giãn cách xã hội. Vì vậy, nhiều người đi chợ buổi chiều hầu như lúc về đều tay không.
Theo phản ánh của nhiều người thì cả các điểm bán hàng tiện lợi hay các cửa hàng thực phẩm vừa và nhỏ cũng thường xuyên hết hàng.
Cửa hàng tiện lợi, siêu thị phục vụ không kịp
Theo đại diện các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn, nguồn cung hàng hóa vẫn bị rơi vào tình trạng thiếu hàng cục bộ. Nguyên nhân do trong thời gian dịch bệnh, nhân viên giao hàng thiếu hụt vì nhiều nhân viên trở thành F1, F2 nên phải cách ly tại nhà. Mặt khác, các công ty sản xuất hàng hóa đang thực hiện "3 tại chỗ' nên giảm lao động, do đó nguồn cung hàng hóa cho các hệ thống phân phối cũng giảm...
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, thực tế nguồn hàng thiết yếu về TP Hồ Chí Minh không thiếu, song các kênh phân phối như siêu thị, điểm bán hàng… hiện không đáp ứng nổi nhu cầu vì quá nhiều chợ bị đóng cửa khiến cho hàng hóa chỗ thiếu, chỗ thừa. Cụ thể, đến nay toàn thành phố hiện chỉ còn 27/237 chợ đang hoạt động, chủ yếu ở các vùng ven, ngoại thành; trong nội đô hầu hết các chợ đã ngưng toàn bộ.
Để giải quyết tình trạng trên, Sở Công Thương đã có một số đề xuất và được UBND TP Hồ Chí Minh chấp thuận, chỉ đạo triển khai. Cụ thể, cần mở lại các điểm cung cấp lương thực, thực phẩm tươi sống thiết yếu ở các chợ truyền thống đang ngừng hoạt động. Phương án này cần được đảm bảo tối đa việc an toàn trong mùa dịch COVID-19. Sở cũng đề nghị các bên liên quan trong trường hợp chợ không tổ chức lại được thì phải bổ sung các điểm bán hàng trong địa bàn quận, huyện; tìm những khu vực trống kẻ ô cho người dân, tiểu thương bán, giới hạn 3-6 người đi mua để giải tỏa việc chờ đọi xếp hàng quá lâu tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trong mùa dịch.
Thêm 5 chợ truyền thống ở TP HCM được mở cửa hoạt động
Các chợ đã mở cửa trong tháng 8 (tính đến ngày 4-8) gồm: Bình Thới, Thới An, Hiệp Thành, Phước Thạnh, Nguyễn Tri Phương và Hòa Hưng.
Trong đó, chợ Bình Thới và chợ Nguyễn Tri Phương hoạt động trở lại sau 2 lần tạm đóng cửa để thực hiện các công tác phòng, chống dịch như khử khuẩn, xét nghiệm, truy vết... do có ca F0.
Còn trong khoảng thời gian từ ngày 19-7 đến 31-7, có các chợ tái mở cửa, gồm: Kiến Thành, Tân Đoàn Việt, chợ tạm ấp 4 Vĩnh Lộc A, Hưng Long, Thạnh Xuân, Thái Bình, Đa Kao, Tân Thông Hội.
Như vậy, tính từ thời điểm UBND TP HCM chính thức ra văn bản yêu cầu các quận, huyện, TP Thủ Đức rà soát, đánh giá để đưa vào hoạt động trở lại các chợ truyền thống (trước mắt chỉ kinh doanh lương thực, thực phẩm) hoặc sắp xếp, bố trí địa điểm thay thế để cung cấp hàng hóa, đặc biệt là thực phẩm tươi sống phục vụ nhu cầu tiêu dùng hằng ngày của người dân thì chưa tới 10% số chợ được mở cửa trở lại.
Giải thích lý do này, nhiều quận, huyện cho biết diễn biến dịch bệnh còn phức tạp, khu vực xung quanh chợ hoặc bản thân tiểu thương chợ, nhân viên ban quản lý chợ có người dương tính với SARS-CoV-2 hoặc đang ở trong khu cách ly, phong tỏa. Chính quyền địa phương vẫn đang rà soát, đánh giá, nếu chợ nào bảo đảm tiêu chí an toàn phòng, chống dịch sẽ tổ chức mở lại ngay lập tức.
Trước mắt, chính quyền địa phương đang phối hợp cùng các tổ chức đoàn thể và Sở Công Thương TP HCM triển khai các giải pháp bán hàng lưu động, hỗ trợ mua chung, mua hàng theo combo, bán hàng online... Cùng với đó là thông tin, phối hợp với các siêu thị, cửa hàng để tính toán tăng cường hàng hóa về các điểm bán để cung cấp đủ hàng cho người dân.
(Nguồn video: Kênh VTC16)