20 triệu một máy tạo oxy, đắt gấp 3-4 lần bình thường, người dân vẫn "đổ xô" đi mua bất chấp cảnh báo nguy hiểm

Trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều người dân lo ngại các bệnh viện, cơ sở y tế bị quá tải nên đã chủ động tìm phương án tự bảo vệ. Ngoài ra với việc 1 số tỉnh thành phố triển khai chăm sóc và theo dõi sức khỏe đối với F0 tại nhà, nhiều người dân đã lo lắng và đổ xô mua các thiết bị máy móc, trong đó máy tạo oxy vẫn được nhiều người chọn mua nhất.   

Loạn giá máy tạo oxy ở HCM và Hà Nội 

Mặc dù được yêu cầu giãn cách và chỉ ra đường khi cần thiết nhưng những ngày gần đây, dọc các tuyến đường Thành Thái, Nguyễn Giản Thanh (quận 10, TP.HCM), các cửa hàng kinh doanh thiết bị, vật tư y tế, bày bán tràn ngập bình ôxy với đủ các mức giá. Các cửa hàng cho biết, mỗi ngày cửa hàng bán lẻ 5-10 bình, có nhiều đơn đặt số lượng lớn 1 lần từ 40-50 bình. Do nhu cầu người dân mua cao hơn trước nên số lượng hàng nhập về trong kho cũng tăng gấp 2-3 lần trước đó. 

Máy tạo oxy - Mặt hàng được nhiều người tìm mua 

Theo người bán, các loại máy tạo oxy này đều nhập từ Trung Quốc và có video hướng dẫn để người dân có thể dùng tại nhà được. Máy có giấy tờ xuất xứ hàng hóa (CO) và giấy chứng nhận tiêu chuẩn  chất lượng của nơi sản xuất. Giá cả phụ thuộc vào dung tích máy và nồng độ khí oxy tạo ra. Hiện khách đặt mua cũng phải chờ trong tuần mới có hàng, và phải đặt cọc trước 20%. Cụ thể, một máy tạo oxy “Made in China” loại 3 lít, 5 lít tuần trước có giá bán khoảng 5 đến 8 triệu đồng thì hiện nay đã "đội" lên 18 – 30 triệu đồng tùy loại. Người bán cũng thông báo không còn hàng và khách đặt cọc xong phải đợi 7 – 10 ngày mới có.

Quảng cáo máy tạo oxy thu hút sự chú ý của mọi người trong thời gian này. 

Còn tại “chợ online”, các loại máy tạo oxy được quảng cáo dùng để hỗ trợ điều trị các bệnh về đường hô hấp như: bệnh viêm phổi mãn tính, ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính COPD... người thở không hiệu quả, người lớn tuổi. Đặc biệt, máy có khả năng tạo oxy tinh khiết với nồng độ trên 90-96% (oxy y tế). Thế nên, tại TP.HCM, nhiều người đang lùng mua các loại máy tạo oxy y tế, đặc biệt là các dòng máy có giá dưới 10 triệu đồng.

Tình trạng này cũng được ghi nhận tại Hà Nội.  Tại các cửa hàng bán thiết bị y tế trên đường Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), khi hỏi mua máy tạo oxy để dùng trong nhà, người bán cho biết muốn mua phải đặt trước. Các máy tạo oxy thương hiệu Santafell, sản xuất tại Trung Quốc, độ tập trung oxy từ 30-90%, kích thước 260x405x410mm, hiện đang bán với giá 15 triệu đồng. Còn máy tạo oxy thương hiệu Lucass và Yuwell thì có giá 20 triệu đồng. 

Các thiết bị y tế có giá tăng vọt.

Một chiếc máy tạo oxy chuẩn phải sản xuất ra được oxy tinh khiết có nồng độ từ 90% trở lên, chuẩn nhất là từ 93%. Nếu máy tạo oxy không đảm bảo tiêu chuẩn này thì đây không phải là một chiếc máy phù hợp. Về lưu lượng oxy được tạo ra mỗi phút, theo người bán tùy theo tình trạng bệnh của người sử dụng mà bạn quyết định nên mua máy tạo oxy có lưu lượng phù hợp.

Tuy nhiên, thông thường các loại máy oxy hỗ trợ điều trị tại nhà thì lưu lượng oxy tạo ra phải đảm bảo từ 2-5l/phút. Đối với các loại máy dùng cho phòng khám hoặc bệnh viện thì lưu lượng oxy trong khoảng 5-10l/phút hoặc cao hơn. 

Trong thời gian này, nhu cầu của người dân không chỉ mua dự trữ bình ôxy mà máy tạo ôxy cũng tăng cao dẫn tới cung không đủ cầu. Giá bình ôxy 8l có giá dao động từ 2,5-3 triệu đồng/bộ. Máy tạo ôxy có giá từ 14-50 triệu đồng/chiếc.

Lợi bất cập hại 

Theo các bác sĩ, sử dụng ôxy cũng phải có sự tư vấn của nhân viên y tế. Không nên tự ý dùng, như ở bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nếu thở ôxy liều quá cao sẽ gây ức chế hô hấp. Tốt nhất trước khi sử dụng máy cho người bệnh mạn tính cần hỏi ý kiến của bác sĩ chuyên khoa để biết nên sử dụng máy tạo ôxy hay bình ôxy y tế. Nếu dùng máy tạo ôxy thì dùng máy loại 3 lít hay 5 lít cho phù hợp. Nếu bệnh nhân mắc bệnh nặng mà dùng máy tạo ôxy không đủ cung cấp khí ôxy, sẽ khiến bệnh ngày càng trở nặng.

Cũng cần phải kiểm tra khả năng tạo khí ôxy có liên tục hay không, nồng độ khí ôxy đầu ra có quá cao hay không. Trong quá trình điều trị bằng liệu pháp thở khí ôxy tại nhà, nếu bệnh nhân có bất kỳ chuyển biến bất thường cần hỏi ngay ý kiến của bác sĩ chuyên khoa, tuyệt đối không được tự ý tăng giảm lưu lượng ôxy.

Báo giá máy thở oxy Yuwell

Không khí bình thường chứa oxy con người sử dụng khi hô hấp đều có độ ẩm nhất định. Nếu oxy cung cấp qua máy quá khô sẽ gây kích ứng, làm cho người bệnh bị khô niêm mạc đường thở, tạo điều kiện thuận lợi cho Covid-19 xâm nhập, gây viêm nhiễm, tổn thương. Nếu vệ sinh máy không đúng cách, nguy cơ nguồn không khí sẽ bị nhiễm khuẩn, khiến người dùng dễ bị viêm phổi hơn.

Đặc biệt, nếu thiếu kiến thức y tế và quá dựa dẫm vào máy tạo oxy mà cho người bệnh thở oxy nồng độ cao (trên 60%) trong hơn 3 giờ liên tục, trong khi nồng độ oxy trong không khí bình thường khoảng 21%, thì có khả năng dẫn đến tình trạng ngộ độc oxy. Các mô phổi về sau sẽ bị xơ. Tuy nhiên, biến chứng này diễn tiến từ từ nên người bệnh không thể thấy ngay tác hại. Với trẻ sơ sinh, sai lầm này về sau có thể dẫn đến mù mắt.

Các bác sĩ cũng cho biết thêm, đối với các trường hợp bệnh nhân mắc COVID-19 có xuất hiện tình trạng suy hô hấp, khó thở thì việc sử dụng các thiết bị, hệ thống hỗ trợ hô hấp cho bệnh nhân là điều cần thiết. Tuy nhiên không phải tất cả các trường hợp bệnh nhân COVID-19 đều cần đến thở máy. Theo dữ liệu được ghi nhận trong đợt dịch lần này có khoảng 80% các bệnh nhân không triệu chứng hoặc có biểu hiện lâm sàng nhẹ chỉ có khoảng 5% số ca cần thở oxy gọng kính, 0,17% thở máy không xâm nhập và 1,3% số ca thở máy xâm nhập.

(Nguồn video: Kênh VTC14)

Đánh giá:  
3.5 / 5  (2 bình chọn)

Ẩm thực

Nổi bật