Ở Việt Nam, chỉ cần mất 1.000 hay 2.000 đồng để mua, thậm chí xin không cũng được cả rổ lá chanh, lá tía tô hay lá trầu không vì chúng rất nhiều và rẻ. Thế nhưng, chỉ cần thay đổi quy trình trồng rồi đem xuất khẩu mà doanh nghiệp có thể thu về triệu đô.
Hai năm gần đây do những ảnh hưởng của dịch Covid-19 tại Việt Nam nói riêng và Thế giới nói chung mà các nông sản chủ lực của nước ta gặp khó khăn trong việc tiêu thụ cả trong nước và thị trường quốc tế. Không ít nông sản bị rơi vào vòng luẩn quẩn "được mùa mất giá", tồn đọng không có người mua, ế ẩm bán với giá rẻ. Hiện nhiều nông sản còn phải kêu gọi “giải cứu”.
Trong khi đó, tía tô vốn là rau gia vị được bán phổ biến khắp các chợ Việt Nam. Tía tô thường được bán với giá rẻ từ 1.000-2.000 đồng cho một mớ.
Thế nhưng, tại huyện Lương Tài (Bắc Ninh) đã trồng được lá tía tô xanh để xuất khẩu sang Nhật Bản thu về hàng triệu đô.
Theo đó, tía tô khi xuất sang Nhật có giá từ 500-700 đồng/lá. Lá tía tô này xuất khẩu sang đất nước mặt trời mọc để chế biến gỏi hải sản sashimi có giá trị kinh tế rất cao.
Ước tính với 100.000 lá tía tô khoảng 45kg, người dân sẽ thu về khoảng 50-70 triệu đồng; một hecta tía tô sẽ cho thu hoạch 17-18 triệu lá, doanh thu tầm 2,5 tỷ đồng.
Làm đúng cách, cửa sẽ rộng mở
Tại sao lá tía tô ở trang trại Lương Tài Bắc Ninh xuất sang Nhật lại có giá rất cao? Đó là do lá tía tô Bắc Ninh đã đáp ứng tiêu chí của người Nhật để xuất khẩu sang thị trường của họ.
Một đại diện Vụ Bưu chính, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biêt: Không phải lá tía tô nào cũng có thể xuất khẩu sang Nhật, bởi thị trường này cực kỳ khó tính. Trang trại phải đạt chuẩn theo đúng quy trình phía Nhật yêu cầu mới có thể xuất khẩu.
Có thể thấy, nếu chúng ta chủ động trong việc xác định thị trường, chủ động trong đáp ứng tiêu chí trong quá trình sản xuất thì sẽ bán được giá trị của sản phẩm với giá tương xứng.
Một số yêu cầu của Nhật Bản để tía tô cho thể xuất đi như: Giống tía tô phải nhập khẩu hoàn toàn từ Nhật Bản. Đất trồng được xới bằng tay, tưới nước bằng hệ thống phun sương, dùng đèn chiếu sáng để đảm bảo nhiệt độ lúc nào cũng duy trì ở ngưỡng 33-35 độ C cùng hệ thống quạt thông gió trong nhà kính,...
Tía tô sẽ cho thu hoạch sau một tháng trồng. Phải chọn những lá tía tô thứ 7 của cây, với kích thước 6-8cm, không rách, mới được chấp nhận.
Sau khi thu hoạch, lá được đưa vào phòng lạnh phân loại, xếp thùng theo đúng số lượng. Sau đó, lá được đưa vào nhà lạnh ở 10 độ C để lá cứng, giữ được độ tươi và chuyển đến Nhật qua đường hàng không. Quy trình thu háo, vận chuyển lá tía tô chỉ tầm 24 tiếng.
Không chỉ tía tô, mà các loại nông sản khác, nếu làm theo đúng quy định của các bạn hàng nước ngoài, lúc đó thị trường sẽ tự động rộng mở chào đón hàng hóa của Việt Nam. Người dân sẽ có thu nhập ổn định hơn, tránh được những rủi ro về tồn đọng hàng hóa.