80.000 shipper sẵn sàng…chạy
Thông tin trên được ông Nguyễn Nguyên Phương cho biết tại buổi họp báo diễn ra ngày 20/9.
Cụ thể, hơn 24.000 shipper hoạt động trước đó đã giúp chuyển tải hơn 530.000 đơn hàng đến người dân. Theo ông Phương, việc cho phép đội ngũ shipper hoạt động nhằm giúp một bộ phận lao động có việc làm trở lại.
Liên quan đến vấn đề mức giá dịch vụ shipper tăng cao, Sở Công Thương TP.HCM đã đề nghị các DN cung cấp dịch vụ áp dụng mức giá giao nhận hàng hóa ngang bằng mức giá khung giờ bình thường khi chưa áp dụng giãn cách xã hội, không áp dụng mức giá giờ cao điểm.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng yêu cầu không lợi dụng việc hạn chế đi lại của người dân nhằm tăng giá trục lợi.
Mặc dù hiện nay số lượng shipper đã sẵn sàng để phục vụ người dân, thế nhưng theo khảo sát tại Tp.HCM,số lượng cửa hàng, hộ kinh doanh được dán biển “Hộ kinh doanh Xanh” là rất ít.
Trao đổi trên Vietnamnet, chủ quán Bún bò Huế Bến Ngự (đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7) cho hay, để được cấp chứng nhận “Hộ kinh doanh Xanh” và mở lại hoạt động bán hàng, cửa hàng của ông phải thực hiện “3 tại chỗ” cho nhân viên, đồng thời thực hiện xét nghiệm đều đặn và chi phí xét nghiệm tự chi trả. Hàng ngày, cơ quan chức năng của phường sẽ xuống kiểm tra việc tuân thủ quy định phòng, chống dịch.
Thế nhưng, theo chủ quán này, giá nguyên liệu đầu vào tăng từ 20-25% nên giá bán có nhỉnh hơn trước. Việc mở cửa chỉ mong cầm cự chứ không mong bán có lời vào thời điểm này.
Trong khi đó, một số chủ cửa hàng ăn uống khác cũng nêu ra nguyên nhân hạn chế mở quán là do giá nguyên liệu chế biến đang biến động; số lượng nhân viên văn phòng - nguồn khách chính của quán - đi làm lại chưa nhiều và khách hàng gặp khó trong việc đặt hàng, giá phí vận chuyển còn cao.
Những tiêu chí để mở dịch vụ ăn uống tại TP.HCM
Bộ tiêu chí đánh giá an toàn phòng, chống dịch COVID-19 đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn TP.HCM nêu rõ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ được hoạt động khi đáp ứng đầy đủ các quy định về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm và các quy định liên quan công tác phòng, chống dịch.
Các cơ sở kinh doanh ăn uốngđể được hoạt động phải đáp ứng các tiêu chí như sau:
Tiêu chí 1: Cơ sở phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Tiêu chí 2: Cơ sở phải đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm theo đúng quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị, con người, bảo quản, vận chuyển, nguồn gốc nguyên liệu và chứng từ liên quan…
Tiêu chí 3: Người lao động, khách hàng, người giao nhận hàng, người liên hệ... phải thực hiện đúng hướng dẫn của ngành y tế trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Những người này cần được tiêm ngừa vắc xin COVID-19, thực hiện xét nghiệm và có kết quả âm tính…
Tiêu chí 4: Cơ sở kinh doanh phải có biện pháp kiểm soát phòng, chống COVID-19 theo hướng dẫn của ngành y tế đối với người lao động, người ra vào. Các đơn vị phải đảm bảo quy tắc 5K và tiêm ngừa vắc xin COVID-19…
Tiêu chí 5: Cơ sở phải bố trí khu vực giao nhận sản phẩm, có bàn trung chuyển và tách biệt khu vực khác, đảm bảo khoảng cách giữa 2 người tối thiểu 2m, trang bị nước rửa tay, sát khuẩn, có phương tiện làm khô tay hoặc khăn làm khô dùng 1 lần.
Tiêu chí 6: Cơ sở phải xây dựng kế hoạch và các phương án phòng, chống COVID-19, khu vực ăn uống đảm bảo mật độ tối thiểu 4 mét vuông cho một người, khoảng cách tối thiểu 2m hoặc bố trí vách ngăn.
Từ những tiêu chí đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 yêu cầu, tất cả cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phải đảm bảo 5 tiêu chí đầu tiên mới được hoạt động. Tiêu chí thứ 6 áp dụng với cơ sở kinh doanh ăn uống tại chỗ của cơ quan, doanh nghiệp có tổ chức khu vực ăn uống cho nhân viên.