Mô hình kết hợp nuôi trồng lúa – tôm ngày càng phát triển và được bà con nông dân miền Tây áp dụng canh tác mang lại thành công cao.
Cụ thể, tôm càng xanh phát triển ở môi trường nước ngọt và lợ. Trong khi đó, nước trong ruộng lúa đang ngọt, sau đó sẽ bắt đầu mặn dần, bà con vừa trữ nước ruộng giúp lúa trổ tốt, vừa có thể tận dụng rạ và lúa rơi thì tôm sẽ có nguồn thức ăn dồi dào và phát triển tốt.
Bất chấp những ảnh hưởng hiện hữu của dịch Covid-19, vụ mùa 2021-2022, riêng Thới Bình (tỉnh Cà Mau) đã có trên 14.000 ha lúa được bà con kết hợp thả nuôi tôm càng xanh.
May mắn nhờ thời tiết thuận lợi và người dân tuân thủ lịch mùa vụ, năng suất tôm càng xanh năm nay vượt trội. Thời gian thu hoạch kéo dài không bị tồn đọng.
Hiện giá tôm càng xanh được thương lái thu mua đầu vụ trung bình 90.000 đồng/kg tuỳ loại.
Một hộ dân kết hợp vụ lúa-tôm trên địa bàn huyện Thới Bình vừa thu hoạch 400 kg tôm cho biết: Đầu ra của tôm càng đang rất ổn định, được thương lái mua giá 82.000 đồng/kg, mang lại lợi nhuận cao trong khi vẫn còn lúa, tôm sú…”
Một hộ dân khác chia sẻ, gia đình đang rất vui vì ruộng lúa thì chín vàng và tôm càng xanh thu hoạch lại được giá cao. Thương lái thu mua giá ổn định.
Dù thời gian nuôi kéo dài và mỗi năm chỉ có 1 vụ nhưng với kinh nghiệm của mình, nhiều nông dân đã biết cách điều chỉnh thu hoạch không còn ùn ứ. Khi đó cuối vụ khoảng tháng 1, tôm vừa tăng trọng lượng, vừa có giá để bán cho thị trường dịp Tết Nguyên đán.
Tỉnh Cà Mau có tiềm năng thế mạnh về nuôi trồng thuỷ sản, đặc biệt là tôm. Tổng diện tích tôm càng xanh được thả nuôi khoảng 16.329 ha.
Người nuôi năm nay yên tâm vì Sở Công thương và các HTX đã có liên kết trong tiêu thụ tôm càng xanh đến các tỉnh, thành. Đặc biệt, đã có thương lái xuất tôm càng xanh sang thị trường Campuchia.
Theo các chuyên gia ngành nông nghiệp, nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa là đi đúng hướng mang lạ hiệu quả, tiềm năng giúp nông dân tăng thêm thu nhập ổn định.