Năm 2018, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư (KN - KN) tỉnh Quảng Bình thực hiện thí điểm mô hình nuôi tôm càng xanh trên vùng đất nhiễm mặn, đất trồng lúa kém hiệu quả. Kết quả thử nghiệm cho thấy mô hình này đem lại hiệu quả tích cực, tôm càng xanh thích nghi tốt với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tỉnh Quảng Bình.
Chính vì vậy, vào tháng 3/2021, Trung tâm đã nhân rộng mô hình này tại nhiều địa phương trong tỉnh nhằm giúp người dân chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang đất thủy sản và đảm bảo hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất, nuôi trồng.
Theo đó, trong đợt này, Trung tâm thực hiện thí điểm ở 8 hộ nuôi ở các xã Hồng Thủy (huyện Lệ Thủy), Gia Ninh, Hàm Ninh, Vĩnh Ninh (huyện Quảng Ninh) và Đức Ninh (TP Đồng Hới ) với diện tích 4,7ha.
Những hộ dân tham gia mô hình này được Trung tâm hỗ trợ hướng dẫn cách chuyển đổi từ đất lúa sang đất thủy sản, cung cấp nguồn giống chất lượng để đảm bảo tốt nhất cho sự phát triển cho tôm càng xanh toàn đực.
Mỗi hộ tham gia mô hình này đều được hỗ trợ 50 % giống và 50 % vật tư, được giới thiệu và hướng dẫn kỹ thuật nuôi, cách phòng bệnh cho giống tôm càng xanh toàn đực.
Cho tới nay, sau 5 tháng thực nghiệm thì tôm sinh trưởng, phát triển tốt trọng lượng bình quân khi thu hoạch đạt 25 - 30 con/kg, tỷ lệ sống đạt 50%, sản lượng thu được bình quân mỗi hộ 2.000kg.
Trước diễn biến dịch phức tạp, nhiều loại nông thủy sản trong tỉnh gặp khó khăn trong đầu ra nhưng tôm càng xanh có đầu ra khá thuận lợi. Nguyên nhân là bởi loại tôm này đã quen thuộc và được nhiều người trong tỉnh ưa chuộng.
Hiện nay, giá bán tôm càng xanh đang dao động trong khoảng 180.000 - 200.000 đồng/ kg. Theo tính toán chung, nếu trừ đi các chi phí thì trung bình mỗi hộ sẽ lãi gần 120 triệu đồng.
Mô hình nuôi tôm càng xanh trên đất trồng lúa kém hiệu quả đã mang lại những tin hiệu tích cực. Nhờ đó, nhiều người dân trong vùng đã đến tham quan, học hỏi và áp dụng sản xuất để cải thiện nguồn thu nhập cho gia đình.
Ông Trần Đình Hiệp, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Bình cho biết: mô hình này không chỉ mang lại hiệu quả về kinh tế mà còn có ý nghĩa quan trọng làm thay đổi thói quen sản xuất truyền thống, hướng đến sản xuất hữu cơ để tạo ra sản phẩm sạch.
Đây là một trong những mô hình thiết thực trên địa bàn và bước đầu đã mang lại những hiệu quả kinh tế cho các hộ tham gia dự án. Chính vì vậy, trong thời gian tới ngành Nông nghiệp tỉnh Quảng Bình sẽ tiếp tục nhân rộng, hướng dẫn người dân chuyển đổi đất để nuôi tôm càng xanh trên đất lúa kém hiệu quả.