Chị Nguyễn Bình, sinh sống ở Hà Nội đã sinh mổ cả 2 bé, vì thế chị cũng có nhiều kinh nghiệm trong việc sinh và nuôi con. Chị cho biết, lúc bác sĩ mổ lấy con xong thì có dặn chị cần phải điều chỉnh chế độ ăn 2 tháng sau sinh do chị có vấn đề tiểu đường thai kì và mỡ máu cao. Chị đã tính toán để làm sao vừa đạt mục tiêu kiểm soát đường máu, vừa đủ sữa cho con, vừa đủ dinh dưỡng cho mẹ hồi phục sau sinh mà lại gọn dáng.
Sinh con xong, chị Bình thèm ăn nhiều thứ lắm, càng những món không có lợi cho mẹ sau sinh thì chị càng thèm. Có nhiều thứ không phải khẩu vị của chị Bình nhưng cứ nghĩ đến là món đó lợi sữa là chị lại ăn được. Chị Bình đã rút ra được một số kinh nghiệm cho những bữa ăn sau sinh nhưphải đảm bảo đủ các nhóm dinh dưỡng cho mỗi bữa ăn: tinh bột, chất đạm, chất béo, chất xơ và vitamin. Các bữa ăn nhẹ chủ yếu là trái cây, các loại hạt, sữa không đường.
Để lợi sữa thì mẹ dùng rau và trái cây có tác dụng lợi sữa, uống thêm cao lợi sữa, trà lợi sữa chứ mẹ hạn chế ăn móng giò, không ăn chân dê, chân chó. Không ăn da gà, rau muống, các loại trái cây hại sữa và tiêu hoá của con như các trái cây có vị chua, dưa chuột.
Sau sinh, mẹ phải ăn nhiều rau củ. Đối với đạm động vật thì ăn khoảng 120 - 250gr cho mỗi bữa. Tinh bột chủ yếu là cơm gạo lứt, khoai lang, hạn chế các món chế biến từ gạo trắng, gạo nếp. Uống nhiều nước (khoảng trên 3 lít mỗi ngày).
Ngoài ra, sản phụ luôn giữ tâm lý thoải mái, vui vẻ, tích cực.
Khi con gần 3 tháng, đều đặn mỗi ngày chị Bình vắt được khoảng 1,5 lít đến 1,8 lít sữa cho con và anh trai sinh năm trước, có lúc cao điểm là 2 lít. Con ăn còn dư thì chị Bình trữ đông để dành cho những tháng tiếp theo.
Chị Bình tăng 9 cân trong thai kì, sau sinh 1 tuần chị trở về cân nặng ban đầu và sau gần 3 tháng chị giảm 5 cân so với lúc bắt đầu mang thai. Chị Bình đã hết bị tiểu đường thai kì, hết mỡ máu, sức khỏe ổn định. Con chị tăng cân tháng đầu là 1,3 kg, tháng thứ 2 là 1,5 kg, tháng thứ 3 là 1,2 kg.