Gia Lai: Nông dân trúng đậm chanh dây, xuất khẩu giá cao

Trong khi đa số nông sản mất giá do đại dịch thì chanh dây ở Gia Lai trong nhiều tháng nay liên tiếp được mùa, được giá. 

Chanh dây đạt chất lượng cao xuất khẩu đi thị trường Châu Âu theo Hiệp định EVFTA có giá thu mua tại nhà máy từ 35.000-40.000 đồng/kg, có lúc đạt trên 40.000 đồng/kg. Người nông dân Gia Lai vui mừng vì năm nay chanh dây được mùa được giá, mang lại lợi nhuận cao giữa mùa dịch bệnh COVID-19. 

Ông Trần Ngọc Châu, Tổ trưởng Tổ liên kết ở xã Hải Yang vui mừng cho biết: “Một, hai năm trước, giá chanh múc chỉ khoảng 3.000 - 4.000 đồng/kg thì năm nay, giá luôn duy trì 7.000 - 8.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm còn cao hơn. Còn chanh quả đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang châu Âu có giá 40.000 đồng/kg hoặc hơn". 

Theo tính toán, với mỗi ha chanh dây, nông dân đầu tư giống, vật tư, phân bón khoảng 70 - 100 triệu đồng/ha với chu kỳ thu 3 năm. Với giá thành hiện nay, nông dân sau khi trừ mọi chi phí có thể lãi từ 300 - 600 triệu đồng/ha tùy năng suất và chất lượng quả, chia sẻ trên báo Thanh Niên. 

Gia Lai: Nông dân trúng đậm chanh dây, xuất khẩu giá cao
Gia Lai: Nông dân trúng đậm chanh dây, xuất khẩu giá cao

Ngoài ra, việc trồng, chăm sóc loại cây này cũng khá đơn giản, có thể thu hoạch sau 5 - 7 tháng trồng. Nhiều nông dân tay ngang cũng có thể trồng được. Do vậy, từ nhiều năm nay chanh dây là loại cây được nông dân Gia Lai tin tưởng chọn trồng.

Đặc biệt, chanh dây được thương lái, các công ty thu mua hết nên đầu ra của sản phẩm không còn là mối lo của nông dân. Một số công ty cũng hỗ trợ cây giống, phân bón và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Thế nên sau một thời gian dài điêu đứng khi hồ tiêu bị bệnh chết, xuống giá không phanh thì chanh dây đang giúp nhiều nông dân vực lại.

Hiện nay, nông dân liên kết với nhau thành tổ, hợp tác xã hỗ trợ cho nhau về kỹ thuật, tiêu thụ. Các tổ liên kết này ký hợp đồng cung ứng chanh dây cho các nhà máy chế biến lớn nằm trên địa bàn, chủ yếu là Công ty thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao Devoco, chuyên xuất khẩu sản phẩm chanh dây nổi tiếng.   

Nhà máy có quy mô lớn này đóng tại huyện Mang Yang, dù dịch bệnh làm số lượng công nhân làm tại nhà máy giảm một nửa nhưng vẫn duy trì hoạt động, công suất. Hàng tấn sản phẩm từ chanh dây như nước ép, quả sấy khô, kẹo…vẫn được xuất bán sang thị trường Châu Âu, thông qua các cảng biển ở Bình Định, TP.HCM. Dù việc vận chuyển, lưu thông gặp nhiều khó khăn do các địa phương siết chặt quản lý người và phương tiện theo Chỉ thị 16. 

Chanh dây được trồng tại hầu hết các tỉnh thuộc khu vực Tây nguyên. Mạng lưới thu mua theo đó cũng trải khắp nên khá thuận lợi cho nông dân trong quá trình tiêu thụ. 

Theo thống kê, riêng tỉnh Gia Lai hiện có hơn 3.100 ha chanh dây. Năng suất trung bình vụ chanh này khoảng 30 - 40 tấn/ha, sản lượng khoảng 120.000 tấn. Các huyện có diện tích chanh dây nhiều nhất là: Mang Yang, Đăk Đoa, Ia Grai, Đăk Pơ, Chư Prông.

Đánh giá:  
 Chưa có bình chọn nào

Ẩm thực

Nổi bật