Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ NNPT-NT) cho biết, hiện lúa giống cho sản xuất vụ Đồng Xuân có thể không thiếu do bà con nông dân tự để giống. Nhưng lúa giống đạt phẩm cấp có thể chiếm tỷ lệ từ 75-80% do các doanh nghiệp, viện nghiên cứu chỉ đáp ứng 50% nhu cầu do những ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Nguyên nhân ban đầu do các ruộng sản xuất giống không được thu hoạch và vận chuyển kịp thời để sơ chế, nên không đạt các tiêu chuẩn làm giống. Các doanh nghiệp và hệ thống kinh doanh hạt giống ở cấp tỉnh, huyện, xã bị giới hạn về lưu thông, vận chuyển, chế biến nên khả năng cung ứng giống không kịp thời vụ sản xuất.
Nông dân cũng khó tiếp cận giống lúa theo mong muốn, các liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân có thể bị đứt gãy ngay từ khâu cung ứng giống cho sản xuất.
Tại ĐBSCL, nhu cầu lúa giống cho cả vụ Đông Xuân 2021-2022 ước tính cần khoảng 180- 200 nghìn tấn. Trong khi đó, năng lực các công ty sản xuất và kinh doanh hạt giống lúa và Viện Lúa chỉ cung ứng tối đa 100 nghìn tấn giống. Như vậy, khu vực vẫn còn thiếu khoảng từ 50-70 nghìn tấn, theo TTXVN.
Tại tỉnh Long An, bà Đinh Thị Phương (Phó Giám đốc Sở NN&PTNN) cho biết, điều đáng lo ngại là người dân không có tiền mua giống dù tỉnh đã tạm ứng ngân sách thu mua lúa giống để đảm bảo giống xác nhận cho nông dân. Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ 50% lúa giống cho nông dân tái sản xuất, kể cả giống vật nuôi.
Vụ lúa Đông Xuân tại Đồng bằng sông Cửu Long là vụ lúa chính, diện tích gieo trồng khoảng 1,5 triệu ha với sản lượng hơn 10 triệu tấn lúa. Đây là vụ có năng suất cao, chất lượng gạo tốt, sản lượng nhiều, giá thành thấp, giá bán cao đáp ứng các mục tiêu về lợi nhuận, xuất khẩu, tăng trưởng và an ninh lương thực.
Vụ lúa Đông Xuân 2021-2022 thường bố trí thời gian xuống giống sớm trong tháng 10 khoảng từ 250.000 - 300.000 ha nhằm hạn chế suy giảm năng suất do ảnh hưởng của tình hình khô hạn và xâm nhập mặn có thể xảy ra cho các tỉnh vùng ven biển.