Long An: Tiêm vắc-xin phòng dịch viêm da nổi cục cho bò gặp khó khăn do giãn cách

Tình hình dịch bệnh viêm da nổi cục trên gia súc đang diễn biến phúc tạp tại Long An trong gần 2 tháng qua. Tuy nhiên, việc tiêm vắc-xin cho bò ở địa phương đang gặp nhiều khó khăn do giãn cách xã hội.

Trên địa bàn tỉnh Long An, gần 2 tháng qua đã ghi nhận gần 300 con bò bị mắc bệnh viêm da nổi cục. Trong đó, đã có 50 con chết. 

Số bò mắc bệnh này phân bố tại 132 hộ chăn nuôi ở 58 ấp, 28 xã thuộc các huyện Đức Huệ, Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Đức Hòa, Bến Lức, Thạnh Hóa, Mộc Hóa và TP Tân An.

Ngay từ khi dịch bệnh viêm da nổi cục xuất hiện trên địa bàn, các địa phương ở Long An đã tích cực triển khai công tác tiêm phòng cho gia súc. Theo đó, người chăn nuôi chủ động đăng ký tiêm phòng vắc-xin thu tiền hoặc tự mua vắc-xin tại các cửa hàng thuốc thú y.  Tính đến nay, toàn tỉnh đã tiêm phòng thu tiền gần 57.000 liều vắc-xin, đạt khoảng 45,3% so với tổng đàn trâu, bò.

Cùng với đó, cơ quan thú y cũng đã khuyến cáo, hướng dẫn hộ chăn nuôi phun xịt khử trùng, vệ sinh chuồng trại, điều trị bò bị bệnh và xử lý tiêu hủy những con chết nhằm phòng tránh lây lan dịch làm tăng thiệt hại cho người dân.

Tuy nhiên, do dịch bệnh viêm da nổi cục trên bò xảy ra khi toàn tỉnh Long An đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nên việc tổ chức tiêm phòng gặp nhiều khó khăn. Nhiều nơi không tập trung được lực lượng tham gia chống dịch bệnh viêm da nổi cục trên bò. 

Việc triển khai tiêm phòng vắc-xin phòng dịch viêm da nổi cục trên bò bị ảnh hưởng do giãn cách xã hội
Việc triển khai tiêm phòng vắc-xin phòng dịch viêm da nổi cục trên bò bị ảnh hưởng do giãn cách xã hội

Với các hộ chăn nuôi, do thực hiện giãn cách, hạn chế đi lại nên cũng không thể chủ động đi mua vắc-xin, thuốc điều trị cho bò như trước đây.

Thậm chí, một số hộ cũng lo sợ dịch bệnh Covid-19 nên không cho lực lượng thú y vào tiêm phòng, điều trị bệnh viêm da nổi cục cho bò. 

Được biết, vắc-xin phòng dịch bệnh trên bò ở Long An chủ yếu thực hiện từ nguồn xã hội hóa. Số lượng vắc-xin huy động được còn ít, lượng gia súc được tiêm phòng cũng chưa đủ để tạo miễn dịch đồng loạt nên nguy cơ bùng phát dịch tại địa phương là rất lớn.

Những khó khăn trước mắt này chính là mối lo hàng đầu của ngành chăn nuôi tỉnh Long An hiện nay. Bởi nếu dịch viêm da nổi cục tiếp tục lan rộng thì việc phòng chống càng khó khăn và dĩ nhiên sẽ càng gây nhiều thiệt hại hơn cho nông dân.

Đánh giá:  
 Chưa có bình chọn nào

Ẩm thực

Nổi bật