Tây Ninh: Dịch bệnh viêm da nổi cục lan rộng, UBND tỉnh chỉ đạo khẩn

Trước diễn biến phức tạp và có xu hướng ngày càng tăng của dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò, UBND vừa ban hành văn bản về kế hoạch phòng chống và xử lý dứt điểm loại bệnh này.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tây Ninh cho biết, tính đến hết ngày 16/8, dịch viêm da nổi cục đã xuất hiện trên địa bàn 37 xã, thị trấn của 5 huyện trong tỉnh, gồm: Châu Thành, Bến Cầu, Gò Dầu, Tân Biên và Tân Châu với hơn 441 con trâu, bò của 304 hộ chăn nuôi mắc bệnh, trong đó có 12 con đã chết và bị tiêu huỷ với trọng lượng 1.829kg.

Trong đó, từ ngày 12/8 đến nay TP.Tây Ninh và huyện Dương Minh Châu, đã ghi nhận nhiều trường hợp bò nghi mắc bệnh viêm da nổi cục. 

Cụ thể, trên địa bàn TP.Tây Ninh có 6 con bò của 3 hộ chăn nuôi tại xã Bình Minh và phường Ninh Sơn nghi ngờ mắc bệnh viêm da nổi cục.

Trong khi đó, riêng ngày 16/8 huyện Dương Minh Châu ghi nhận 3 con bò của hộ chăn nuôi Lê Văn Lộc tại ấp Thuận Tân, xã Truông Mít bị bệnh, trong đó 1 con nghi ngờ mắc bệnh viêm da nổi cục.

Dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò lan rộng ở Tây Ninh những ngày qua
Dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò lan rộng ở Tây Ninh những ngày qua

Ngay sau khi nhận được thông tin, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã phối hợp với các địa phương điều tra, lấy mẫu gửi đến Chi cục Thú y vùng VI để xét nghiệm, đồng thời, triển khai tiêm phòng được 23.548 liều vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục cho đàn trâu, bò trên địa bàn tỉnh.

Trước diễn biến phức tạp này, UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành Công văn số 2688/KH-UBND về kế hoạch phòng, chống dịch viêm da nổi cục trâu, bò trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu:

  • Sở NN-PTNT và các địa phương tổ chức rà soát, thống kê các hộ chăn nuôi trâu, bò và số lượng gia súc toàn tỉnh. Phân loại gia súc có biểu hiện bệnh, điều tra dịch tễ thời gian xuất hiện các triệu chứng của bệnh, tình trạng buôn bán, giết mổ, vận chuyển gia súc để quản lý, kiểm soát dịch bệnh.
  • Với những địa phương xuất hiện dịch, cần tập trung nguồn lực xử lý ổ bệnh, tiến hành tiêu độc khử trùng, tổng vệ sinh khu vực có dịch. Những hộ chăn nuôi trong vùng dịch cần nhốt toàn bộ trâu, bò; tránh tình trạng lây lan, kéo dài. Không di chuyển số trâu, bò đã khỏi triệu chứng lâm sàng ra khỏi vùng dịch trong thời gian tối thiểu 30 ngày, kể từ ngày cuối cùng khỏi bệnh lâm sàng và gia súc đã được tiêm vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục.
  • Các huyện, thị xã, thành phố thành lập đội liên ngành để kiểm soát việc việc buôn bán, giết mổ của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trâu bò và sản phẩm từ trâu, bò.
  • Ðối với các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi và hộ chăn nuôi trên 16 con, tăng cường thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, thường xuyên vệ sinh tiêu độc khử trùng, phun thuốc phòng, chống côn trùng, tổ chức tiêm vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục theo hướng dẫn của Chi cục Chăn nuôi và Thú y.
  • Chi cục Chăn nuôi và Thú y tổ chức rà soát tiêm phòng vaccine bổ sung cho đàn trâu, bò chưa được tiêm phòng trên địa bàn tỉnh. Bảo đảm tỷ lệ tiêm phòng đạt tối thiểu trên 90% số gia súc thuộc diện tiêm phòng.
Đánh giá:  
 Chưa có bình chọn nào

Ẩm thực

Nổi bật