Bối cảnh ra đời món Bánh dứa
Lịch sử ghi lại cây dứa được du nhập và trồng trên đảo Đài Loan vào khoảng giữa thế kỷ XVII và trở thành một ngành xuất khẩu của nước này dưới thời thuộc địa Nhật Bản (1895–1945). Dứa là nguồn nông sản dồi dào và nổi tiếng với chất lượng ngọt, mọng nước của Đài Loan. Từ nguồn nguyên liệu vô cùng chất lượng này nên người dân Đài Loan đã tận dụng quả dứa để tạo ra những món bánh độc đáo.
Nguyên liệu tạo nên món Bánh dứa trứ danh
Từ giữa những năm 50 đến 70 của thế kỷ XX, ngành công nghiệp dứa Đài Loan tuy có khởi sắc nhưng vì sự phát triển công nghiệp hóa đã khiến nông dân từ bỏ ruộng vườn, lao vào làm công nhân nhà máy, xí nghiệp.
Với một nguồn cung cấp dứa dồi dào và chất lượng sản phẩm khá tốt, Đài Loan cần tìm một nguồn tiêu thụ lâu dài cho loại nông sản này. Từ đây các công thức làm bánh thông thường, các đầu bếp món ngọt bắt đầu sáng tạo ra một loại bánh có sử dụng nhân từ quả dứa, với phần vỏ bánh xốp và thơm ngậy vị bơ, còn phần nhân bên trong có vị chua dịu của dứa, cộng với vị ngọt mát của bí đao – một “thành phần bí mật” mà các đầu bếp cho vào nhân để tăng hương vị cho món ăn.
Lần đầu nếm thử bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt dịu dàng lan tỏa trên đầu lưỡi, sau đó là cảm giác sần sật của nhân dứa; khi lớp vỏ và nhân quyện vào nhau. Bánh dứa có vị ngọt, nên dùng kèm với một tách trà nóng sẽ giúp bạn cân bằng hương vị.
Người Đài Loan gọi món bánh dứa là “feng li su”, theo Hán tự “feng li” nghĩa là “dứa”. Ngoài ra, trong tiếng địa phương “feng li” còn đồng âm với từ mang ý nghĩa là “tài lộc sẽ đến”. Vì vậy, chiếc bánh dứa được tin rằng sẽ mang đến may mắn cho những người thưởng thức nó, cũng như là món quà đầy ý nghĩa để bày tỏ thành ý của người tặng.