Cao Bằng không chỉ sở hữu các địa điểm tham quan có cảnh quan đẹp như thác Bản Giốc, núi Thủng, mùa lúa chín Trùng Khánh mà còn có nhiều đặc sản lạ như bún khô 8 màu trứ danh hay còn gọi là “7 sắc cầu vồng” tại xóm Hồng Quang 2, xã Hưng Đạo, cách TP Cao Bằng khoảng 9 km.
Bún là món ăn quen thuộc của người Cao Bằng, đặc biệt, trong những dịp lễ, Tết, nhà nào cũng có món bún với nhiều màu sắc xanh, tím, vàng, đỏ cam...
Chị Hoàng Thị Toan, chủ cơ sở bún Thủy Trang, cho biết gia đình có truyền thống làm bún khô từ năm 2009, chủ yếu là bún trắng, sau đó từ năm 2014 thì mở rộng sản xuất, hiện có tất cả là tám màu bún khô đáp ứng nhu cầu thưởng thức món ăn ngày càng đa dạng của khách hàng.
Để làm các loại bún khô ngũ sắc ngon, quan trọng nhất là khâu chọn nguyên liệu. Các cơ sở sản xuất bún khô ở đây chỉ dùng gạo Bao thai lùn, gạo Tam nông và nông sản sẵn có tại địa phương.
Mỗi loại bún khô được chế biến từ một nguyên liệu có màu đặc trưng, ví dụ bún ngô làm nguyên liệu ngô tẻ có màu vàng. Ngoài ra còn có bún làm từ gạo lứt đỏ, lá chùm ngây màu xanh lá, hoa đậu biếc màu xanh trời, lá cẩm màu tím, khoai lang tím, hay quả gấc hoặc bún trộn từ các màu trên.
Sản xuất bún khô ngũ sắc về cơ bản giống bún trắng truyền thống, chỉ khác công đoạn nhuộm màu cho bột gạo.
Ở món bún cẩm, người thợ đun lá cẩm tím, lọc lấy nước rồi trộn với gạo ngâm qua đêm, tiếp đến đem gạo xát thành bột, trộn thêm nước lá cẩm để tạo màu.
Với bún ngô, ngô sau khi phơi khô được đem đi xay nhỏ rồi ngâm qua đêm, tiếp đó đem ngô xát mịn rồi trộn thêm bột gạo, cho vào máy trộn, pha thêm nước.
Các công đoạn kế kiếp khi chế biến các loại bún khô là giống nhau, như đem hỗn hợp bột gạo vừa trộn cho vào máy ép, cắt bó sợi bún đều từ 70 đến 80 cm, phơi lên sào.
Sau đó, đem bún vào lò ủ qua đêm để bún tơi, khi gỡ bún không bị bết dính. Sáng hôm sau đem bún ra phơi, nếu trời nắng to hay nhiều gió phải dùng bạt che để bún không bị giòn, vỡ vụn khi vận chuyển xa.
Vì bún được nhuộm bằng nguyên liệu tự nhiên cùng với bí quyết lâu năm của người dân địa phương nên đặc sản bún khô ngũ sắc khi nấu lên sợi vừa dai, vừa mềm, mang hương vị đặc trưng của lá cẩm, gạo lứt, hương thơm của gấc, của ngô...
Bún khô Cao Bằng được làm theo bí quyết gia truyền nên sợi bún khi luộc lên mềm như bún tươi. Bún không bị gãy, có thể chế biến nhiều món như kèm với canh xương, bún xào, bún ốc và ngon nhất là bún trộn với các nguyên liệu hành, giò, rau củ. Nếu có dịp hãy thử một lần thưởng thức món bún đặc sản này nhé!