Nông dân trồng mì (sắn) tập trung chủ yếu ở xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu tiếp giáp với lòng hồ Dầu Tiếng. Nhờ khả năng thâm canh, củ mì lại được giá, nhiều nông dân chọn trồng cây mì. Diện tích trồng mì gần như phủ khắp vùng nguyên liệu tỉnh Tây Ninh.
Từ trước đến nay giống mì được nông dân chọn trồng khoảng 8 tháng thì cho thu hoạch. Tuy nhiên, năm nay mì vừa đến kỳ thu hoạch cũng là thời điểm mưa lớn, nước hồ Dầu Tiếng dâng cao.
Hầu hết như các hộ trồng mì nơi đây đều trong tâm trạng “như ngồi trên đống lửa”, bởi hiện nay gần như không thuê được nhân công thu hoạch mì, vì trong cùng thời điểm này có đến cả ngàn ha mì bị ngập tại địa phương.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 việc thu hoạch bị chậm, gián đoạn, đồng thời thiếu lao động, khiến nguy cơ ngập úng khoai mì tăng cao, bà con nông dân chỉ biết khóc ròng vì nguy cơ thua lỗ.
Giá mì ngập nước giảm thấp, nhiều nông dân bán cho các điểm thu mua nhỏ lẻ với giá chỉ 1.900-2.000 đồng/kg.
Nông dân vừa nhổ mì phải vừa tất tả đi tìm chỗ tiêu thụ để tránh thua lỗ nhưng không phải nơi nào cũng thu mua mì bị ngập nước, thương lái lại e ngại đầu ra khó khăn nên từ chối thu mua.
Lý do là mì bị ngập thường dính theo nhiều bùn, đất; độ chữ bột không cao... Cơ sở thu mua loại mì này phải trừ tạp chất, giá rất thấp, thương lái mua bán cũng không có lời.
Hiệp hội Sắn Việt Nam cho biết, từ cuối tháng 9, các nhà máy chế biến ở miền Trung, miền Nam mới bắt đầu máy vụ mới 2021-2022, sau quá trình giãn cách do dịch Covid-19.
Đầu tháng 10, tình hình xuất khẩu hàng qua các cửa khẩu khu vực Lạng Sơn gặp nhiều khó khăn.
Xe hàng phải chờ hàng tuần mới được giao sang, nguyên nhân do phía bạn siết chặt kiểm soát dịch bệnh Covid-19, nhất là trong thời điểm diễn ra lễ Quốc khánh ở Trung Quốc, nên việc xuất khẩu khoai gặp nhiều khó khăn.